Nhiều cố gắng trong khâu tổ chức
Sáng 12 tháng Giêng (âm lịch), Hội Lim đã khai màn tại thị trấn Lim (tỉnh Bắc Ninh). Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay trong ngày đầu khai hội, đã có rất đông du khách tới vui chơi, thăm quan.
Lễ hội năm nay sẽ kéo dài cho tới hết ngày 15 tháng Giêng với phần hội chính diễn ra vào ngày 13 âm lịch. So với các năm trước, Ban tổ chức (BTC) Hội Lim đã có nhiều cố gắng trong khâu tổ chức.
Thay vì cảnh lộn xộn của rất nhiều lán trại được dựng lên tự phát như nhiều năm trước, năm nay, BTC chỉ tuyển chọn giữ lại 4 lán trại của các câu lạc bộ quan họ của TP Bắc Ninh, người cao tuổi huyện Tiên Du, xã Tri Phương và làng Hoài Thị - làng Điểm.
Trò đỏ đen tại Hội Lim 2013. Ảnh: Trọng Tùng
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giữ gìn trật tự an ninh cũng được bố trí nhiều hơn, nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong suốt quãng thời gian diễn ra lễ hội.
Với mong muốn giảm bớt các điểm "nóng", tìm về một lễ hội theo đúng giá trị truyền thống, năm nay, BTC Hội Lim 2013 đã quán triệt nghiêm ngặt quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ nơi công cộng.
Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Ninh cho biết: "Mùa lễ hội 2013, tỉnh sẽ cương quyết xử lý những cá nhân vi phạm, làm xấu đi hình ảnh quan họ trong mắt du khách thập phương.
Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh đã có chỉ thị nghiêm cấm hành vi ngửa nón nhận tiền, vì hành vi đó gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến văn hoá quan họ".
Hiệu ứng ngược
Tuy nhiên, tại 4 lán trại, hoạt động hát quan họ giao duyên lại diễn ra không như mong đợi của du khách.
Theo quy định của BTC, năm nay, các anh Hai, chị Hai chỉ được "hát chay" với sự trợ giúp của nhạc cụ truyền thống. Điều đó đồng nghĩa với các liền anh, liền chị không được sử dụng micro, loa đài, âm thanh nền, nhạc beat cũng như các loại nhạc cụ điện tử trong quá trình biểu biễn.
Cách làm này vô hình chung lại tạo ra hiệu ứng ngược với mong đợi của BTC, đặc biệt là trong một lễ hội phần âm nhạc (dân ca quan họ) được coi là tâm điểm. Chính bởi không có sự hỗ trợ của các thiết bị âm thanh, nên chất lượng các ca khúc dân ca quan họ bị giảm đi đáng kể.
Không ít du khách tặc lưỡi: Quan họ giờ "nhọc" cho người hát, người nghe cũng… mệt chẳng kém! Thế nên, nhiều người đã lẳng lặng bỏ đi khi chưa nghe hết một bài hát.
Theo quan sát của chúng tôi, năm nay việc "ngửa nón xin tiền" đã được hạn chế rất nhiều. Theo quy định của BTC, các lán trại có thể đặt… hòm công đức để xin lộc của du khách.
Tuy nhiên, cả 4 CLB quan họ tại các lán trại lại không làm vậy. Các liền anh, liền chị têm trầu cau cánh phượng và bê đi mời du khách mua giùm với giá tùy tâm, trung bình từ 5.000 - 10.000 đồng/miếng. Trong khi nét văn hóa đặc trưng nhất của Hội Lim là dân ca quan họ không để lại ấn tượng thì các hoạt động mang tính dịch vụ khác lại diễn ra rất sôi động.
Đáng kể nhất là hoạt động cho thuê quần áo hát quan họ với giá thuê mỗi bộ là 30.000 đồng. Đi kèm với đó là dịch vụ chụp ảnh lấy ngay với giá 20.000 đồng/tấm. Tuy nhiên, điều khiến không ít người ngao ngán là bị nhiều người kinh doanh loại hình này chèo kéo. Các dịch vụ như vẽ khắc họa chân dung, xin chữ tài lộc, xem bói đầu năm nở rộ với mức giá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng.
Nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng tranh thủ những ngày lễ hội để tổ chức hoạt động kinh doanh. Đơn cử như Công ty TNHH Canon Việt Nam cử hàng loạt nhân viên phát tờ rơi tuyển dụng ngay tại lễ hội, Viettel bán điện thoại giá rẻ hay Vinaphone mở quầy bán sim thẻ, USB và D-com 3G…
Du khách đến Hội Lim để được thưởng thức những làn điệu quan họ đặc sắc thì ít mà bị kéo vào các hoạt động vui chơi, ăn uống, mua sắm… thì nhiều.
Nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh Bắc xưa đang ngày một bị mờ nhạt. Cái thời về Hội Lim để thưởng thức "một trời âm thanh, thơ và nhạc" náo nức xao xuyến đến nao lòng người, giờ có lẽ chỉ còn lại trong kỷ niệm. Chẳng vậy mà không ít du khách sau một vài lần tham dự Hội Lim đã phải chua xót thốt lên: Muốn nghe quan họ, đừng về Hội Lim!