Lợi đâu không thấy!
Liên quan đến nghi vấn Công ty Tenma Nhật Bản đưa hối lộ 25 triệu yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) cho cán bộ thuế, hải quan ở Bắc Ninh để trốn thuế, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công an kiên quyết xử lý, làm minh bạch, rõ ràng. Công an Bắc Ninh đã làm việc với Công ty Tenma tại Bắc Ninh để thu thập tài liệu. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ liên hệ với các đối tác Nhật Bản để đề nghị thu thập, cung cấp thông tin. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, sau khi triển khai thanh tra tại Cục Thuế và Cục Hải quan Bắc Ninh, Bộ Tài chính đã tạm đình chỉ công tác 11 cán bộ liên quan. Các cơ quan chức năng hiện vẫn đang xác minh, xử lý thông tin theo quy định của pháp luật.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu có hành vi đưa, nhận hối lộ của Công ty Tenma, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe và phòng ngừa chung. Với các động thái quyết liệt của Bộ Tài chính (đình chỉ công tác 15 ngày đối với các cá nhân có liên quan) để thanh tra, chúng ta hy vọng vụ việc sẽ sớm được làm rõ. Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông |
Ngoài vụ việc này, Việt Nam từng ghi nhận 2 vụ đưa, nhận hối lộ liên quan đến DN Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam. Và những vụ việc này đều xuất phát từ phía cơ quan điều tra Nhật Bản công bố. Tháng 3/2014, hàng loạt tờ báo Nhật Bản đã đưa tin về việc ông Tamio Kakinuma - Chủ tịch Công ty Tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) đến cơ quan điều tra khai báo về việc hối lộ quan chức cấp cao của đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA xây dựng đường sắt đô thị số 01 Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên). Ông khai nhận, đã chi bất hợp pháp hơn 100 triệu yên cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. Trong đó, riêng dự án ODA đường sắt nội đô tại Hà Nội có mức chi "lại quả" 80 triệu Yên (tương đương hơn 16 tỷ đồng) cho 5 quan chức đường sắt từ năm 2008 - 2012.
Trước đó, năm 2008, Công ty Pacific Consultants International của Nhật Bản (PCI) đã hối lộ cho quan chức cấp cao TP Hồ Chí Minh để thắng thầu tại dự án phát triển hạ tầng có sử dụng vốn viện trợ ODA của Nhật Bản - Dự án Đại lộ Đông Tây. Thời điểm đó, số tiền hối lộ cho quan chức cấp cao TP Hồ Chí Minh được xác định hơn 820.000 USD (18,8 tỷ đồng).
Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nghi án đưa, nhận hối lộ nhận được sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh Chính phủ đang có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sau đại dịch Covid-19, muốn thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta cần phải có môi trường đầu tư minh bạch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam dựa vào các chính sách ưu đãi, môi trường kinh doanh thông thoáng, pháp luật minh bạch.
Trong khi đó, theo các chuyên gia pháp luật, các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài rất khó phát hiện vì cả bên đưa lẫn bên nhận đều có lợi nên ít khi có chuyện bên nọ tố bên kia. Ở Việt Nam có chuyện lẫn lộn giữa quà tặng và của đưa hối lộ bởi người Việt có thói quen hay quà cáp vào mỗi dịp lễ, tết, sinh nhật… nhưng lồng vào trong đó những yếu tố vụ lợi. Để ngăn chặn hành vi đưa, nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài, cộng đồng DN phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, bỏ kinh doanh "chộp giật" “đi đêm”, hối lộ để tạo lợi thế cạnh tranh. DN cũng cần nắm chắc quyền và nghĩa vụ, các quy định liên quan và chống tham nhũng trong nội bộ. Nhà nước phải tạo cơ chế và lắng nghe phản ánh từ DN; các thủ tục hành chính cũng cần được công khai, áp dụng tin học hóa trong giám sát hoạt động của cán bộ, chức năng...