Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới lần thứ 43

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Vừa qua, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế "Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa".

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng của Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức.

Hội nghị quy tụ 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy Lạp, Kazakhstan, Rumani... cùng hàng trăm chuyên gia, đại biểu từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chào mừng hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: là địa phương được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kho tàng văn hóa, lịch sử giàu có, đặc sắc, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt ưu tiên phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Với những nỗ lực biến di sản thành tài sản góp phần quan trọng để tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, kinh tế liên tục tăng trưởng và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp, Quảng Ninh là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước với 7 năm liên tiếp đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

An sinh xã hội, giáo dục, y tế được đảm bảo. Nhiều tiêu chí cao hơn bình quân chung cả nước. Đến nay, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương.

Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của quốc tế về vai trò của tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản Vịnh Hạ Long trong mạng lưới di sản toàn cầu. Tỉnh Quảng Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trong quá trình đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam là di sản thế giới, xây dựng TP Hạ Long và TP Uông Bí tham gia mạng lưới TP học tập toàn cầu do UNESCO điều hành và đưa TP Hạ Long trở thành TP sáng tạo toàn cầu.

Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu tạo dựng một Quảng Ninh với các đặc trưng “thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Hội nghị quy tụ 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA).
Hội nghị quy tụ 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA).

Điểm nhấn đáng chú ý của hội nghị năm nay là việc các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO với công nghiệp văn hóa, vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa. Các quốc gia thành viên đã đưa ra tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - kết nối văn hóa vì hoà bình và phát triển bền vững".

Hội nghị Ban Chấp hành WFUCA được tổ chức thường niên, nhằm thúc đẩy giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông toàn cầu. Năm nay, với việc đăng cai tổ chức của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP Hạ Long trong 2 ngày 5-6/8, Hội nghị lần thứ 43 đã trở thành diễn đàn quan trọng thảo luận và định hình các hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội để các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới hiểu hơn về vùng đất, con người Quảng Ninh, về những nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, từ đó đồng hành cùng Quảng Ninh trong thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, con người, đặc biệt là ủng hộ hồ sơ Yên Tử được công nhận là di sản thế giới và các mục tiêu tham gia mạng lưới của UNESCO trong thời gian tới.

Năm 2024 cũng ghi dấu một thập kỷ kể từ khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ nghị quyết nói trên, công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn lực tạo ra giá trị kinh tế, không chỉ góp phần truyền bá di sản văn hóa của một quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự cũng như hoạt động của phong trào UNESCO trên toàn thế giới. Thông qua các chương trình, dự án, phong trào UNESCO tạo ra sự hiểu biết, tôn trọng giữa các quốc gia, đảm bảo sự phát triển bền vững và trao truyền các giá trị văn hóa tới tương lai.

Cũng tại sự kiện, Hội đồng các giá trị văn hoá của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tặng bằng khen, chứng nhận cho các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho các phong trào UNESCO, phát huy các giá trị di sản văn hoá trong lĩnh vực mình hoạt động.