Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/12, tại Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021.

Tới dự hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí trên toàn quốc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh…
 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Nhiều dấu ấn trong hoạt động

Theo Ban Tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2020, trong năm qua các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Đại hội Đảng các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hợp tác để giải quyết những vấn đề chung trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống, làm việc ở nước ngoài...

Tuy nhiên, trong năm 2020, cùng với những ưu điểm, kết quả nêu trên, hoạt động báo chí còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Một số cơ quan báo chí vẫn để xảy ra tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép; thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội...

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030; thách thức về đại dịch Covid-19; hòa bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn trong khu vực vẫn còn nhiều phức tạp… Vì vậy đòi hỏi các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước, tiếp tục kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Báo cáo về công tác báo chí năm 2020, đánh giá khái quát giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Hiện cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Công tác triển khai quy hoạch báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tổng số 78 cơ quan, tổ chức, địa phương phải thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí trong năm 2019 và năm 2020.

Đến nay, có 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí. Hiện đang xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, đảm bảo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đánh giá, năm qua, vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, Việt Nam đã đặt được những kết quả to lớn, toàn diện, trở thành điểm sáng trong mắt cộng đồng quốc tế. Có được điều này một phần vô cùng quan trọng không thể thiếu là lực lượng công tác làm truyền thông, các cơ quan báo chí.

Ngoài vai trò trong phòng chống dịch, Chính phủ cũng thấy rõ thời gian qua rất nhiều năng lực tích cực được báo chí khơi dậy, thổi lên, làm cho người Việt Nam thấy mình yêu nước hơn, tin Đảng, tin chính quyền hơn, cộng đồng quốc tế nhìn vào Việt Nam với một con mắt khác hẳn.

Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn về kinh tế mà các cơ quan báo chí đang gặp phải. Đánh giá về quy hoạch báo chí trong năm qua là một trong những thành công, Phó Thủ tướng mong muốn báo chí tiếp tục thực hiện được những thế mạnh của công nghệ mới, cùng nhau tạo ra các giải pháp hay biến thành cánh tay nối dài để hòa nhập với thế giới.

Cuối cùng Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí để chung tay xây dựng Chính phủ hiệu lực, hiệu quả.

Báo Kinh tế & Đô thị cùng các tập thể và cá nhân được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích đóng góp trong năm 2020.
Tập trung tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhận định, 2020 là năm đầy ắp các sự kiện trọng đại nổi bật của đất nước. Năm của những khó khăn và thách thức lớn nhưng cũng là năm quyết tâm lớn, năm mà Việt Nam được nói đến như hình mẫu và cách thức kiểm soát dịch bệnh Covid-19; Năm mà Việt Nam được thế giới đánh giá là 1 trong 10 nước có tốc độ phát triển GDP cao nhất. Trong thành công đó có vai trò của công tác tuyên truyền mà ở đó có sự đóng góp của báo chí.
Nhìn lại năm qua, báo chí đã có vai trò thông tin tuyên truyền các sự kiện nổi bật của đất nước… thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức củng cố niềm tin của nhân dân, khơi dậy tinh thần ý chí tự lực tự cường.
Báo chí đã làm sâu sắc sinh động vị thế của đất nước, thể hiện bản lĩnh vững vàng sáng tạo. Nhiều nhà báo đã không quản ngại hiểm nguy để có được nhũng bài phản ánh chân thực nhất. Thể hiện ý chí sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Công tác thông tin tuyên truyền đấu tranh chống sai trái trên báo chí đã có tác động mạnh mẽ tới tầng lớp nhân dân. Công tác lãnh đạo chỉ đạo định hướng báo chí có nhiều chuyển hướng tích cực, nhằm khắc phục những hạn chế.
Triển khai thực hiện quy hoạch báo chí cơ bản đúng phương án đề ra. Các cơ quan báo chí đã quán triệt sâu sắc mục tiêu, sẵn sàng chấp nhận khó khăn trong đó có rào cản về tâm lý… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sự đổi mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, tuy nhiên, bên cạnh những tích cực thì vẫn còn một số hạn chế trong công tác báo chí như chưa kịp thời bổ sung, chưa phát huy trong giáo dục, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thanh tra kiểm tra giám sát chưa triệt để; bổ nhiệm lại cơ quan báo chí chưa đúng quy định. Một số cơ quan báo chí vẫn nặng về sắp xếp, một số thông tin định hướng báo chí xa rời nhiệm vụ chính trị, quản lý phóng viên chưa được triệt để…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong thời gian tới báo chí cần nhận thức quán triệt sâu sắc tư tưởng của Đảng để từ đó xây dựng hiệu quả công tác báo chí. Nâng cao tuyên truyền về Đại hội XIII.
Đổi mới công tác chỉ đạo, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chuyển mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra chuyên đề và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng” có tác động lớn trong xã hội, trong ngành đặc biệt là đối với các hành vi thực hiện sai mục đích tôn chỉ gây hậu quả nghiêm trọng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chi đạo, quản lý báo chí.
Đối với các cơ quan chủ quản báo chí, cần tuân thủ nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch, chú trọng đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí. Tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị tư tưởng, thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; chủ động phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí chính quyền địa phương trong việc rà soát chấn chỉnh nghiêm các hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú…