Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”. |
"Nhân sự kiện lần này được tổ chức tại Thủ đô của chúng ta, tôi nhớ một nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc tiêu biểu của chúng ta, ông Bạch Thái Bưởi từng nói: “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”. Ông tổng kết bài học thương trường: Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần và phải kịp thời.
Và người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sĩ Lương Văn Can, đã nói đại ý như thế này: Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt; việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy.
Có thể nói, từ cả thế kỷ trước, chúng ta đã có những chí sĩ yêu nước, nhà khởi nghiệp mang trong mình hoài bão lớn, bắt kịp với xu thế của thời đại. Bài học, tấm gương và khát vọng của họ tiếp tục là niềm cảm hứng và làm rạng danh thương hiệu Doanh nhân Việt Nam cho đến ngày hôm nay", Thủ tướng nói.
Từ nay đến 13h30, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân phân tích các kết quả đã đạt được, chúng ta hãy đối chiếu lại với những nguyên tắc để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân cùng với hai nhóm giải pháp trước đây chúng ta đã đề ra. Đó là kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật. Hai là, cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng chia sẻ: "Tôi tin rằng, các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng.
Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hiểu rằng, đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp".
Về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới: Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 39.580 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 11.545, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động.
Về đầu tư nước ngoài, tính đến 31/12/2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước có 1.249 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,56 tỷ USD, tăng 36,1% về số dự án và bằng 84,4% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Có 5.970 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 4,51 tỷ USD. Tính luỹ kế đến ngày 20/04/2017, cả nước có 23.272 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 302,64 tỷ USD.
"Các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng, kết quả đầu tiên và quan trọng nhất được hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Sau gần một năm triển khai thực hiện, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Ở cấp Trung ương, các Bộ, ngành đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc và chỉ đạo, đôn đốc triển khai Nghị quyết. Người đứng đầu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Nghị quyết 35; kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách với những nội dung tích cực hỗ trợ doanh nghiệp như Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng2…
Ở cấp địa phương, UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai, có nhiều sáng kiến hay trong tổ chức đối thoại doanh nghiệp3 để nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng với các doanh nghiệp trước giờ khai mạc hội nghị |
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống Chính trị, các ngành, các cấp, việc hỗ trọ và phát triển doanh nghiệp đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2016 có 110.1000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 900 nghìn tỷ đồng; theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, từ 91/189 lên 82/189..
Bộ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cụ thể là, vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hơp lý , tiếp tục gây khó khăn cho việc thực hiện như: thủ tục thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dặn còn chưa được cụ thể dẫn đến nhiều địa phương chưa triển khai; một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu tiêu cực, chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả để kiểm tra, giám sát; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình có doanh nghiệp ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm; việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là DNNVV còn hạn chế, trong đó thủ tục cho vay phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa thực sự cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ 6 nhóm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách; tăng cường thực thi thế chế, pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận xử lý và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân; Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nhấn mạnh sự kiên định trong điều hành của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thống đốc cho biết, hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%. Năm 2017, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm; đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân tham luận về chủ đề "Các chi phí của doanh nghiệp" cho biết, Hiệp hội luôn gắn bó với hoạt động của doanh nghiệp, hiểu rõ khó khăn của DN và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ rào cản cho DN. Tuy nhiên, DN còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.
Về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp có phát biểu hiến kế, kiến nghị đến Thủ tướng. Hội nghị bước vào phần thảo luận dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Cụ thể, Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải nêu các kiến nghị về liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế; nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo; giải pháp nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt;...
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH đề xuất: Thái Hương đề xuất: Ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm đối với từng sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm sữa; giải pháp triển khai chương trình sữa học đường.
Ông Phạm Văn Sơn đại diện doanh nghiệp sản xuất vacine, thuốc thú y, bảo vệ thực vật kiến nghị: Sớm có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; huy động doanh nghiệp vào cuộc xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia về nông nghiệp; có chính sách quy hoạch phát triển chăn nuôi, nông nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân kiến nghị bày tỏ: “Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều, tránh mua quan, bán chức để chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”. Ông kiến nghị tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với DN.
Ông Đệ cũng kiến nghị Chính phủ không cho phép “xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công”, “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa”; phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư... phát biểu của ông Đệ liên tiếp nhận được những chàng pháo tay từ 2.000 đại biểu có mặt trong hội trường.
Đại diện Euroham Việt Nam kiến nghị các giải pháp để tạo làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đầu tư sản xuất dược phẩm; phát triển năng lượng xanh; xem xét các quy định về thuế, hải quan.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin về tình hình cung ứng điện; kinh doanh phục vụ khách hàng;... Ông Thành cam kết bảo đảm cung cấp đủ điện, tiếp tục cải cách thủ tục tiếp cận điện năng, triển khai thủ tục cung cấp điện một cửa để giảm thời gian cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi.
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh cải thiện tín minh bạch trong đầu tư, nhất là trong các quy định của pháp luật. Vừa qua Chính phủ đã đạt được những thành tựu trong lĩnh vực hải quan, thuế,... đại diện DN Nhật Bản bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục khởi xướng mạnh mẽ nhất để thực hiện được những điều chưa từng có từ trước tới nay.
Ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist kiến nghị: Về phát triển cấp thị thực, visa điện tử; quy hoạch du lịch các địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng vận hành quỹ quảng bá để phát triển du lịch bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch ở vùng sâu, vùng xa vùng biên giới xa xôi...
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG mong muốn tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển ở mọi ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm, khuyến khích hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu.
Là đại diện doanh nghiệp tư nhân, bà kỳ vọng vào các phát biểu, Nghị quyết TW 5 nhanh chóng triển khai sâu rộng. Chính phủ nhanh chóng tạo điều kiện khối doanh nghiệp tư nhân được hoạt động bình đẳng với các khối khác. Bà cho rằng doanh nghiệp kinh tế tư nhân xứng đáng có được.
Về chủ trương không hình sự hóa các quan hệ hành chính kinh tế, bà Nga nhắc lại hội nghị “Hội Diên Hồng” năm ngoái và thể hiện rõ ở Nghị quyết 35. Thủ tướng từng đề cập vấn đề này như một trong những tinh thần lớn nhất.
Theo bà, chủ trương này giúp doanh nghiệp sẵn sàng dấn thân, thử thách cái mới. Doanh nghiệp cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng, dám nghĩ dám làm, khai thác những lĩnh vực tiên phong, coi là rủi ro cao, giải phóng sức lao động để tăng cường phát triển.Chủ tịch BRG kiến nghị có hành lang pháp lý, văn bản để doanh nghiệp bảo vệ, doanh nghiệp có cơ hội được khắc phục nếu có sai sót.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đã có 16 ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội trong và ngoài nước đăng ký phát biểu. Do hạn chế thời gian, đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội chưa có điều kiện phát biểu gửi kiến nghị về Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết thời gian qua đã tổ chức hơn 1000 cuộc đối thoại; trả lời hàng chục nghìn kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp,...
Thời gian tới Bộ sẽ tập trung cải cách hành chính, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các chính sách về tài chính để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng cũng trả lời các kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu; thuế xuất khẩu các mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện; áp dụng thuế với máy móc nông nghiệp chuyên dùng,... do VCCI gửi trước thềm Hội nghị.
Về ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp nêu tại Hội nghị, Bộ Tài chính tiếp thu và nghiên cứu điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, hải quan, chủ động vươn lên phát triển bền vững.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu về công tác công an trong đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự; tập trung triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm kinh tế... góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp...
Bộ Công an cũng đề nghị doanh nghiệp trong phạm vi của mình cần tích cực với các cấp chính quyền giải quyết khiếu kiện; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chấm dứt vi phạm về xe quá khổ quá tải, đảm bảo an ninh an toàn phòng cháy chữa cháy...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Hà Nội sẽ quyết tâm đổi mới sâu sắc để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể các giải pháp như: Tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính hiện đại; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, công nghệ mới; xây dựng các công trình phúc lợi trong các khu công nghiệp...
Hà Nội có đề xuất dần hạn chế đặt hàng dịch vụ công ích, chuyển dần sang cơ chế đấu thầu; tạo bình đẳng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia các dịch vụ công; cổ phần hóa DNNN, chỉ giữ lại tỷ lệ cổ phần vốn nhà nước tại DN ở những ngành, lĩnh vực thật sự cần thiết, còn lại những lĩnh vực tư nhân làm được thì đề nghị để tư nhân làm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu nhấn mạnh vướng mắc nhất của doanh nghiệp của doanh nghiệp là vấn đề thủ tục hành chính, đất đai, thuế...
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành địa phương lưu ý các kiến nghị của doanh nghiệp: Tăng cường đối thoại, có trao đi đổi lại, không nói một chiều, áp đặt; phát huy vai trò của các hiệp hội trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải quyết tâm hơn; phải rất cụ thể, doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ không cần chung chung; đồng thời phải rất thiết thực, doanh nghiệp không cần những thứ hình thức; bên cạnh đó phải rất khẩn trương, không đủng đỉnh; cuối cùng phải điện tử hóa, đây là nhiệm vụ cấp bách, tất cả các dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến, minh bạch;...
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu nhấn mạnh giải pháp: Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế.
Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp;
Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh,...
Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lơi...
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, nắm vững các quy định... để sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả.
Các hiệp hội cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tiếng nói mạnh mẽ trong phản biện, xây dựng chính sách; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ.
"Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều.
Thủ tướng cũng cho rằng, mặc dù có được những thành công ban đầu nhưng vẫn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp doanh nghiệp. Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này, những điểm cơ bản các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra tại hội nghị này.
Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp...