Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa năm 2021 nóng với vấn đề đất đai

TRUNG VŨ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho biết đang gặp khó với các vấn đề đất đai liên quan đến hợp đồng BT, đất ở không hình thành đơn vị ở, định giá đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án…

Thu hút 19 dự án mới

Ngày 24/12, tại TP Nha Trang, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa năm 2021 với hơn 100 đại biểu tham dự.

 Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh 2021. (Ảnh: Trung Vũ).

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, do tình hình dịch Covid-19 đợt thứ 4 bùng phát kéo dài đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc các doanh nghiệp đủ điều kiện phòng chống dịch hoạt động trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về cung ứng nguyên liệu, vận chuyển, đứt gãy chuỗi cung ứng,...

Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp công nghiệp đã hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả phòng chống dịch nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, vốn cho hoạt động sản xuất, lao động,... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước giảm 6,5% so với năm 2020; dự kiến kết quả thực hiện cả năm 2021, thu ngân sách ước đạt 12.620 tỷ đồng, bằng 91,7% dự toán, bằng 91,3% so với năm 2020; chi cân đối ngân sách ước đạt 12.907,8 tỷ đồng, bằng 117,7% dự toán.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 19 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 3.272,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 được 22 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 7.516,7 tỷ đồng).

“Kết quả tổng số thu nội địa nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tính đến 30/11/2021 là 10.785 tỷ đồng, đạt 93,7% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 104,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực Nhà nước là 3.199 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,67%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 990 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,18%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 2.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,87% tổng số nộp ngân sách do ngành thuế quản lý” - ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua tỉnh đã có một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như Chính sách miễn giảm thuế, gia hạn thời hạn tiền thuế và tiền thuê đất; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 52 số thuế dự kiến được gia hạn trong năm 2021 là 670,7 tỷ đồng; giảm thuế thu nhập cá nhân năm 2021 khoảng 107,3 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất năm 2021 ước giảm là 72 tỷ đồng.

Nhiều vấn đề liên quan đến đất đai

Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa đề nghị, ngoài phát triển du lịch, Khánh Hòa cần phát triển các ngành nghề khác như công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản… trong thời gian tới.

“Hiện Khánh Hòa đang điều chỉnh và lập quy hoạch mới một số quy hoạch nhưng chúng tôi chưa thấy mở rộng quỹ đất cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Một vấn đề nữa là quy hoạch liên quan đến bất động sản khá nhiều nên vô hình trung làm giá đất nhảy múa trong thời gian qua và đã tăng gấp 10 lần so với giai đoạn dịch bệnh. Ngoài ra, Khánh Hòa đang “lót ổ đón đại bàng” nhưng cũng nên lưu tâm đến những doanh nghiệp địa phương. Dù doanh nghiệp địa phương là “chim sẻ” nhưng đây là những doanh nghiệp thực làm và có thể mở rộng quy mô để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương” -  vị này cho hay.

 Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trung Vũ).

Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp đang gặp khó với các dự án đã ký hợp đồng BT với UBND tỉnh Khánh Hòa vào năm 2017 tại Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh. Cụ thể, hiện Hưng Thịnh đã triển khai và đã được hoàn thành nghiệm thu để đưa vào hoạt động từ năm 11/2019 đối với hệ thống thoát nước mưa và tháng 3/2021 cũng đã nghiệm thu đưa vào hoạt động tuyến đường nhánh khu vực này.

Cũng theo ông Dũng, theo Nghị định 69, những hợp đồng BT ký trước 1/1/2018 phải được Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư, và hai dự án nói trên đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện và đưa ra kết luận phù hợp quy định pháp luật, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã có văn bản cho ý kiến đủ điều kiện thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho cả 2 dự án.

Đặc biệt là toàn bộ cả 2 quỹ đất hoàn vốn này tại thời điểm ký hợp đồng BT đều là quỹ đất chưa được giải phóng mặt bằng và Tập đoàn Hưng Thịnh đã ứng toàn bộ kinh phí để cơ quan thẩm quyền tiến hành chi trả bồi thường và các chi phí liên quan khác.

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa được thanh toán giao quỹ đất hoàn vốn theo hợp đồng đã ký. “Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi hơn 1.000 tỉ cho 2 dự án BT này nhưng chưa được giao quỹ đất hoàn vốn” - ông Dũng cho biết và đề nghị tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ việc thanh toán quỹ đất cho Tập Đoàn Hưng Thịnh vì hiện nay doanh nghiệp đang phải gánh chi phí tài chính trong suốt quá trình chờ đợi này.

Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho rằng, việc chính quyền đề nghị dừng triển khai các dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở để chuyển sang đất thương mại dịch vụ đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các nhà đầu tư thứ cấp. Cụ thể là thời gian sử dụng đất bị ảnh hưởng.

“Các doanh nghiệp có đất ở không hình thành đơn vị ở đã đóng tiền theo dạng đất ở tức không có thời hạn, nhưng nay chuyển về đất thương mại dịch vụ (TMDV) là đất có thời hạn. Chúng tôi không mong lấy lại tiền sử dụng đất nhưng mong tỉnh xem xét giải quyết thời hạn sử dụng đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như chúng tôi. Thực sự, hiện các dự án loại này chỉ còn 30-35 năm thời gian sử dụng đất như vậy quá thiệt hại cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp. Do đó, tôi kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa căn cứ luật đầu tư và xem xét địa bàn Cam Lâm là địa bàn khó khăn để tăng thời gian sử dụng đất cho doanh nghiệp lên 70 năm để tạo môi trường đầu tư bền vững” - ông Trần Quốc Dũng kiến nghị.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện việc cấp chủ quyền căn hộ condotel cho các nhà đầu tư thứ cấp tại dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn rất dè dặt. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa mạnh dạn triển khai cấp chủ quyền căn hộ condotel theo đúng quy định pháp luật cho các nhà đầu tư thứ cấp.

 Nhiều dự án tại Khánh Hòa đang vướng đất ở không hình thành đơn vị ở. (Ảnh: Trung Vũ).

Liên quan đến các vấn đề trên, ông Trần Hòa Nam – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, 2 dự án BT của Tập đoàn Hưng Thịnh là dự án đủ cơ sở thanh toán quỹ đất hoàn vốn BT và không cần phải xin ý kiến Thủ tướng. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho rằng cần phải xin ý kiến Thủ tướng nên Sở này đang rà soát các vấn đề để làm dự thảo gửi UBND tỉnh xin ý kiến Thủ tướng.

Trong khi đó, ông Vũ Chí Hiếu – Phó Giám đốc Sở TNMT cho rằng, đối với các dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở phải điều chỉnh lại thời gian hoạt động Sở sẽ  tiếp tục có văn bản tham mưu kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề trên. Đồng thời, ông Hiếu cho biết sẽ kiến nghị, tham mưu tỉnh về quy hoạch sử dụng đất đối với quy hoạch đang thực hiện để thu hút đầu tư các lĩnh vực mới.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH Tâm Hương cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tài sản để triển khai các dự án tại Khánh Hòa và đã bỏ tiền để đền bù giải tỏa cho người dân để thực hiện dự án. Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp đã bị thu hồi 3 dự án mà không có lý do chính đáng, việc này ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của doanh nghiệp nên cần được làm rõ.

Liên quan vấn đề của doanh nghiệp Tâm Hương, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị doanh nghiệp cần có văn bản kiến nghị các vấn đề để lãnh đạo các sở ngành có báo cáo, tham mưu lãnh đạo tỉnh giải quyết.

“Với các vướng mắc đất đai mà doanh nghiệp kiến nghị nguyên nhân là do thời gian qua Khánh Hòa gặp quá nhiều các cuộc thanh kiểm tra, vướng mắc về thẩm định giá đất... Tỉnh tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp và sẽ có văn bản trả lời hoặc có hướng chỉ đạo xử lý. Tôi đề nghị, các sở ngành tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để có báo cáo tham mưu cho tỉnh để có hướng giải quyết. Trách nhiệm của tỉnh là sẽ báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành để có hướng giải quyết cho các doanh nghiệp” - ông Tuân đúc kết.