Đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” tỉnh; đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị đối thoại trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và trực tuyến tới các đầu cầu cấp huyện với chủ đề “Thúc đẩy liên kết sản xuất, hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thường trực UBND tỉnh với nông dân là một diễn đàn trao đổi tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách đến hành động, phát huy hơn nữa vai trò nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn ưu tiên đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt trong việc thúc đẩy liên kết sản xuất, hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững; tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 6%/năm, diện mạo nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới.
Thường trực UBND tỉnh mong muốn được trực tiếp lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những thành tựu đã đạt được; những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và đề xuất, hiến kế, kiến nghị về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh của đại diện hội viên, nông dân và các cấp Hội Nông dân, hợp tác xã...
Các đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể; chú trọng đến việc liên kết sản xuất, hợp tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà đại biểu quan tâm; các câu trả lời đi thẳng vào trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu...
Thông tin tại Hội nghị, đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, năm 2023, Thường trực UBND tỉnh đối thoại trực tiếp với nông dân trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Thúc đẩy liên kết sản xuất, hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững” nhằm giải đáp những ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân, các chi, tổ, hội nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp về: liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp tỉnh Lào Cai hiện nay, kết quả thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp; những giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp củng cố và và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai; định hướng của tỉnh trong việc thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa trong thời gian tới.
Để chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thị, TP triển khai và tổng hợp ý kiến, đề nghị của cán bộ, hội viên, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, chi, tổ, hội nông dân nghề nghiệp. Kết quả đã nhận được 75 câu hỏi; qua rà soát các câu hỏi trùng về nội dung, lĩnh vực, Hội Nông dân tỉnh đã tổng hợp 45 câu hỏi đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu, trả lời.
Dưới sự điều hành của các đồng chí chủ trì, Hội nghị đã triển khai 04 phiên đặt câu hỏi của nông dân, các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn các huyện, thị xã, thành phố tại điểm cầu tỉnh và điểm cầu cấp huyện.
Các đại biểu đã đề cập đến việc thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ mặt bằng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn khó khăn, lãi suất vay cao; việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phức tạp, mất nhiều thời gian, kinh phí; còn xảy ra chồng lấn giữa đất rừng dự án, rừng phòng hộ với diện tích đất canh tác, đất lâm nghiệp của các hộ dân; nguồn kinh phí duy trì hoạt động của các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp còn ít; chưa hình thành được vùng nguyên liệu, vùng sản phẩm nên mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao; quá trình xây dựng, duy trì, phát triển sản phẩm OCOP và tình hình sản xuất cây dược liệu của nông dân hiện nay gặp nhiều khó khăn; đầu ra một số loại cây trồng, vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất ra khó tiêu thụ (dược liệu, quế, su su…).
Nông dân, các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiêp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… đề nghị tỉnh có chính sách khuyến công, tạo nguồn vốn nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho nông dân; kêu gọi, thu hút doanh nghiệp có tiềm năng, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, bao tiêu ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; có hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế trang trại gắn với hoạt động du lịch; giải pháp trong việc kiểm soát các cửa hàng, giá vật tư nông nghiệp và xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mua bán tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả; tạo điều kiện về cơ chế để các chủ thể OCOP duy trì tốt trong giai đoạn đầu xây dựng sản phẩm; xây dựng kênh thông tin về tình hình quy mô sản xuất một số nông sản trong tỉnh và vùng lân cận để hội viên, nông dân cập nhật từ đó quyết định hình thức và quy mô sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; hỗ trợ hội viên nông dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để nông dân tập trung, tích tụ đất đai và ký kết hợp tác sản phẩm nông nghiệp; điều chỉnh bảng giá đất nông nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tiễn; giải pháp giúp hợp tác xã đảm bảo diện tích đất xây dựng nhà xưởng, kho bãi để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao; quan tâm xem xét hỗ trợ tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh tả lợn;…
Trên tinh thần xây dựng, cởi mở, trách nhiệm cao, Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi và đưa ra một số biện pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của cán bộ, hội viên, nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp… liên quan đến các chế độ, chính sách về đất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP; bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn từ Qũy, vay vốn ngân hàng cho phát triển sản xuất; đào tạo nghề, thu hút đầu tư trong nông nghiệp; kiểm soát giá vật tư nông nghiệp,…
Phát biểu bế mạc, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thường trực UBND tỉnh với nông dân năm 2023 diễn ra dân chủ, trên tinh thần xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lào Cai phát triển và đã hoàn thành nội dung, mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng chí đề nghị đại biểu có mặt tại điểm cầu tỉnh và ở đầu cầu trực tuyến các địa phương tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của nông dân trong thực hiện các Nghị quyết, Chương trình của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông thôn. Tuyên truyền, vận động nông dân chủ động hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai đến với các tỉnh và các nước trên thế giới.
Các cơ quan, địa phương cần chủ động hướng dẫn nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh và của trung ương về phát triển nông nghiệp; trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, TP chung tay thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI.