Nhóm 20 nhà lãnh đạo đã kết thúc cuộc họp 2 ngày tại thủ đô Argentina hôm thứ 7, sau khi đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại đa phương, nhưng lại không đề cập đến vấn đề bảo hộ thương mại - đúng như điều mà Washington lâu nay phản đối.
Cam kết "từ chối" hoặc "chống lại" "chủ nghĩa bảo hộ" là những cụm từ chủ yếu trong các tuyên bố trước đây, nhưng như trong nhiều diễn đàn đa quốc gia gần đây, chính quyền Trump đã đẩy lùi việc sử dụng từ này, khi cho rằng nó đang làm mất cân bằng trong hệ thống giao dịch toàn cầu.
Các văn bản thỏa hiệp tại G20 năm nay thừa nhận rằng thương mại và đầu tư là "động cơ quan trọng của tăng trưởng, năng suất, đổi mới, tạo việc làm và phát triển", nhưng cũng cho biết thêm "hệ thống hiện đang thiếu các mục tiêu và vẫn cần cải thiện. Do đó chúng tôi ủng hộ việc cải cách cấp thiết của WTO (tổ chức Thương mại Thế giới) để cải thiện chức năng của mình và chúng tôi sẽ xem xét tiến độ này tại hội nghị tiếp theo" tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2019.
Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng gọi đây là một "ngày trọng đại" đối với nước Mỹ, khẳng định rằng hội nghị lần này đã "đáp ứng nhiều mục tiêu lớn nhất của Mỹ", đặc biệt là lần đầu tiên đề cập đến sự cải cách WTO.
Đáng nói là theo tiết lộ của Tổng thống Argentina Mauricio Macri với báo giới thì nhiều quốc gia đã mong muốn các cụm từ nói trên vào kết luận chung, tuy nhiên Mỹ đã không chấp nhận.
Bên cạnh đó, quan chức cao cấp Nhà Trắng cho biết Trung Quốc đã cam kết tại G20 rằng sẽ tăng tính minh bạch về đầu tư tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của mình, đồng thời đảm bảo việc cho vay như vậy sẽ không dẫn đến các khoản nợ không bền vững đối với các nước đang phát triển. Các quan chức cũng cho biết, các nhà lãnh đạo G20 đã kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới theo dõi tốt hơn các khoản nợ này.
Về biến đổi khí hậu, Mỹ vẫn lặp lại tuyên bố quyết định rút khỏi Hiệp định Paris, trong khi các thành viên G20 khác tái khẳng định cam kết thực hiện thỏa thuận này: "Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế", tuyên bố cho biết.
Sự thỏa hiệp rõ ràng đã được thúc đẩy bởi các nhà ngoại giao khi các nước mong muốn tránh một kết thúc mà không có đưa ra được tuyên bố cuối cùng nào, điển hình như Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng trước đã tạo ra một cái kết không tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm của mình do những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh.