Hội nghị giao ban tháng 7/2017 của UBND TP Hà Nội

nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị giao ban tháng 7/2017 của UBND TP Hà Nội.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tháng 7/2017 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2017.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục phát triển; thu hút đầu tư phát triển đạt kết quả nổi bật, thu ngân sách đạt khá; các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, du lịch tiếp tục phát triển; quản lý xây dựng, trật tự đô thị được tăng cường, chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm.
Cụ thể, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tương đối ổn định, trong 7 tháng đầu năm 2017 và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 7 tăng 6,2% so tháng trước và tăng 9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1 % so với cùng kỳ năm 2016.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị giao ban tháng 7/2017 
Ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 7 đạt 980 triệu USD, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 9,1% so cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 2,4 tỷ USD, giảm 0,5% so tháng trước và tăng 21,1% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,23% so với tháng trước, bình quân cùng kỳ tăng 3,53%.

Về công tác quản lý và phát triển đô thị: Thành phố đang chỉ đạo tích cực hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết. Hết tháng 7/2017, Thành phố đã phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu, 31/33 đồ án quy hoạch chung. Các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ. Tổ chức giao thông: phục vụ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ; tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố lần thứ VIII; Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017; Tổ chức bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị, máy móc, vật tư của các đơn vị quản lý giao thông, vận tải để kịp thời giải quyết các sự cố về mất an toàn giao thông do cơn bão số 2 gây ra.

Đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững: thí điểm triển khai dự án ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động iParking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát, kiểm tra các bãi đỗ xe, kiên quyết xử lý “xe dù, bến cóc”, các bãi đỗ xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; tiếp tục sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố; duy trì thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông...

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp trong các tháng cuối năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 29/6/2017.

Cụ thể, thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng; trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương; quản lý tốt thị trường trong nước, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi các cửa hàng bán nông sản sạch; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của Thủ đô.

Sau báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên trình bày báo cáo kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2017.

Theo đó, một số kết quả nổi bật trong chỉ đạo điều hành của UBND TP trong tháng 7 như UBND TP Hà Nội chủ trì chỉ đạo chuẩn bị tốt các nội dung và tổ chức thành công các hội nghị, sự kiện quan trọng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ như hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà cho người có công; tổ chức thăm hỏi, động viên các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tập thể, gia đình chính sách tiêu biểu; tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề "Hồn thiêng Sông núi" và Cầu truyền hình trực tiếp tri ân các Anh hùng liệt sĩ; tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc và tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ.

 Toàn cảnh phiên họp

UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai tháng hành động phòng chống ma túy và mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm ma túy; hướng ứng tháng hành động chống ma túy và Ngày Quốc tế phòng chống ma túy; Chỉ đạo các đơn vị triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người theo chỉ đạo của Bộ Công an; Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 199 về xử lý vi phạm hành chính các phương tiện quá tải, quá khổ; xe 3, 4 bánh tự sản xuất lắp ráp giả danh xe thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoạt động trên địa bàn.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm của UBND TP Hà Nội, Chánh văn phòng Phạm Quý Tiên cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị bám sát chương trình công tác tháng 8, các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong các tháng cuối năm 2017; Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao.

Đôn đốc các địa phương thực hiện việc thu, chi ngân sách Thành phố đảm bảo đúng dự toán được giao và nộp ngân sách tiền đấu giá quyền sử dụng đất; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản; giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, dự toán chi thường xuyên của các sở, ngành để điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2017.

Tiếp tục các giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án đầu tư lớn có khả năng quyết định triển khai trong năm 2017.

Tiếp đó, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện việc triển khai Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 20/3/2017 của UBND Thành phố trong tháng 7/2017. Trong đó, Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Huy Sáng nêu lại những việc qua công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và qua một số vụ việc dư luận xã hội quan tâm như vụ việc tại quận Thanh Xuân, hay vụ xén đường tỉa cây Trần Duy Hưng, vụ việc tại phường Văn Miếu, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc ứng xử của lãnh đạo, cán bộ, công chức. Các vụ việc xảy ra chủ yếu là do xử lý tình huống của lãnh đạo, cán bộ, công chức nơi công cộng, công sở chưa được phù hợp, chưa thể hiện trách nhiệm hết của người đứng đầu khi có tình huống nóng xảy ra.

Ngay tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, đây là những vụ việc đáng tiếc, không nên xảy ra. Thêm nữa, vì những vụ việc này xảy ra vào đúng năm kỷ cương hành chính nên trong trường hợp đặc biệt, khi đã có những thông tin chính thức và kết luận của Thanh tra thì sẽ xử lý nghiêm những việc này để làm gương.​

Bước vào phần thảo luận, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nối về tình tình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 31/7/2017, Hà Nội có hơn 8.459 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó, 90% trường hợp đã được điều trị khỏi, hơn 800 trường hợp đang điều trị. Các quận nội thành có số ca mắc sốt xuất huyết cao là Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân … Thời gian qua, Sở Y tế và các quận, huyện phối hợp cùng Đoàn thanh niên TP tổ chức nhiều cuộc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, thành lập 4 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống và dập dịch sốt xuất huyết. “Khó khăn của Hà Nội trong việc dập dịch sốt xuất huyết là vấn đề liên quan đến xử lý bọ gậy, nhất là các công trường xây dựng. Sở Y tế đề nghị cho phép thành lập các Tổ diệt bọ gậy xung kích, mỗi tổ có 2-3 người chịu trách nhiệm từ 20- 30 hộ gia đình rà soát, kiểm tra sốt xuất huyết tại các địa phương để kiểm soát dịch”- ông Hiền đề xuất.

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, 7 tháng đầu năm, thu hút đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt. Thành phố đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, kết quả trong tháng 7 có: 40 dự án ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký hơn 34.800 tỷ đồng; 2 nhà đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng; 32 dự án FDI vốn đăng ký 302 triệu USD. Lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt khá ở con số 2.245 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 17.100 tỷ đồng; có 645 doanh nghiệp giải thể, 2.220 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua mạng là 71%. Như vậy, lũy kế 7 tháng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đăng ký đạt hơn 255.000 tỷ đồng, trong đó: 98 dự án ngoài ngân sách vốn đăng ký 68.970 tỷ đồng; 26 dự án BT vốn đăng ký 37.700 tỷ đồng; 301 dự án FDI vốn đăng ký 1.355 triệu USD; 14.740 doanh nghiệp thành lập mới vốn đăng ký 111.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho hay, về giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, Sở đã cố gắng bố trí vốn đầu tư cho các Dự án. Theo đó, tính đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cơ bản đạt 38,8%. “Sở Kế hoạch Đầu tư và các địa phương, các Ban quản lý Dự án đã chủ động rà soát kỹ với những Dự án chưa giải ngân được để điều hòa lượng vốn trong các Ban. Tuần này, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tài chính có phương án phân bổ vốn và phấn đấu đến hết năm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất”- ông Quyền phát biểu.

Ngoài ra, trong 7 tháng, Sở cũng đã tư vấn miễn phí khoảng 6.233 lượt doanh nghiệp; tư vấn dịch vụ cho 149 lượt doanh nghiệp. Tổ chức khóa đào tạo: “Tập huấn đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử” từ ngày 19-22/7/2017; Tổ chức 02 hội thảo hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Triển khai các gói thầu “Hỗ trợ đào tạo kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017”.
 Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp giao ban

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết: Tháng 7 năm nay mưa nhiều hơn bình thường, lượng mưa bình quân là 420 mm, cao nhất ở Hoài Đức là 580mm, thấp nhất là 296mm ở Gia Lâm.

Các nguyên nhân gây úng ngập trong tháng 7 là do xả đáy hồ Hòa Bình, ảnh hưởng của bão số 2, lượng mưa cao nhất đo sáng ngày 17 là 160mm.

Ngay sau khi có cơn bão số 2 xuất hiện, chủ trương mở cửa xả đáy hồ Hòa Bình, Thác Bà…UBND TP có các công văn, công điện chỉ đạo ban phòng chống thiên tai, các quận huyện thị xã, các sở ban ngành, thông tin báo chí tập trung tuyên truyền, chỉ đạo công tác tiêu úng, thanh tra, kiểm tra….Đặc biệt là di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Các đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai của TP, cho thấy đê điều Hà Nội hết sức quan trọng trong việc bảo vệ tài sản tính mạng của nhân dân.

Ngay sau khi có mưa lớn làm ảnh hưởng trên 10.000 ha lúa mới, các công ty thủy lợi đã huy động 229 trạm bơm, công suất 2,4 triệu m2/h. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý một số sự cố ở Sông Hồng, sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ…

Ông Chu Phú Mỹ đồng thời cho biết nhiệm vụ tháng 8 tập trung cho công tác phòng chống thiên tai, bơm tiêu úng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kiểm tra xử lý kịp thời các sự cố về hồ đập đê điều, đê kè sông. Phòng chống dịch bệnh trong gia súc gia cầm, chăm sóc cây trồng xây dựng phương án ứng phó khi mực nước lên cao ảnh hưởng sản xuất.

Báo cáo lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp giao ban sáng 1/8, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, hiện công tác giải ngân cho các dự án do Ban thực hiện mới đạt khoảng 15%.

Ông Tuấn cho hay: “Hiện rất nhiều dự án do chúng tôi đang thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Mà trong giải phóng mặt bằng thì 2 vấn đề lớn nhất là: thiếu nhà tái định cư và chế độ, chính sách hỗ trợ, bồi thường không được người dân đồng thuận, ủng hộ”.

Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin thêm, nhiều dự án đã được chuẩn bị kỹ, đầy đủ thủ tục, dự án có tàm quan trọng đối với vấn đề dân sinh, nếu được phê duyệt giải ngân sẽ thực hiện rất nhanh.

Giám đốc Sở Tài Chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 30/7/2017 ước thực hiện là 117.096 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 10.120 tỷ đồng đạt 58,8% dự toán; Thu nội địa 106.015 tỷ đồng, đạt 56,6% dự toán. 

Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch cho biết, khách du lịch vào Hà Nội tốt, giai đoạn đầu năm khách đạt trên 90% tại các khách sạn 5 sao. Hiện tại mùa thấp điểm nhưng đạt trên 60%. Tổng công ty du lịch dự báo, khách tiếp tục tăng trong thời gian tới và năm 2018.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và vật chất, gây bất an trong nhân dân. “Tới đây, Thành phố sẽ ra tiếp văn bản tổng điều tra thống kê rà soát lại hết các cơ sở nhà ở, nhà ống thông tầng, quyết liệt xử lý, công bố danh tính các đơn vị, hộ gia đình không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền kỹ năng thoát nạn thoát hiểm cho người dân, đồng thời để người dân có ý thức cao hơn về công tác phòng cháy chữa cháy”- Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị giao ban, Phó Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các Sở: GTVT, QH&KT, Xây dựng... tập trung giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực Quản lý quy hoạch chung, phân khu H1, phân khu sông Hồng và sông Đuống; triển khai quy hoạch cho các khu nhà ở xã hội, chung cư cũ, báo cáo TP trong tháng 8 tới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đặc biệt lưu ý Sở xây dựng phải quan tâm xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng; hạn chế phát sinh nhà siêu mỏng siêu méo trên các tuyến đường giao thông lớn đang có dự án triển khai.

Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng và các địa phương giám sát chặt chẽ các nhà thầu được giao công tác thu gom rác, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ, không nâng cao được chất lượng VSMT, thiếu trang thiết bị cơ giới; vi phạm các quy định về VSMT 3 lần sẽ chấm dứt hợp đồng.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình thu ngân sách trên địa bàn TP 7 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhận định, tiến độ thu so với yêu cầu đang kém 2 ngàn tỷ; hơn 84% số thu đến từ tiền sử dụng đất, còn các lĩnh vực khác đang có hiệu quả thấp hơn mong đợi.

UBND TP yêu cầu ngành thuế tiếp tục đôn đốc, nâng cao hiệu quả thu hồi nợ đọng, khẩn trương thanh kiểm tra, rà soát việc nộp thuế của các DN, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí là đưa ra truy tố trước pháp luật.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Hà Nội đã thống nhất lại với Bộ Tài chính, trình Chính phủ sửa đổi chi tiết, đưa TP đã khỏi danh sách các địa phương đạt dưới 17% tỷ lệ giải ngân. Trên thực tế Hà Nội đã giải ngân được trên 335 vốn đầu tư công.

UBND TP giao Sở công thương sớm hoàn thành quy hoạch các khu công nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước đối với mô hình chợ dân sinh, rà soát quy hoạch, phân hạng chợ, xây dựng giá dịch vụ và cơ chế đầu tư chợ. Chuẩn bị các nội dung để xây dựng kế hoạch ngân sách 2018; đặc biệt là kế hoạch tài chính trung hạn 2019 - 2020.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận công tác tháng 7 của TP được dư luận đánh giá cao trong việc trả lời ý kiến của các cử tri, trả lời chất vấn HĐND tại kỳ họp HĐND vừa qua. Đặc biệt đã thông qua được đề án xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2030 giảm dần phương tiện xe máy.

Cùng đó, trong tháng 7 cả TP đã tập trung cho công tác chuẩn bị Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, trong đó Chủ tịch biểu dương sự vào cuộc của các quận, huyện, các sở ban ngành rất mạnh mẽ để hoàn thành các nội dung cho thực hiện lễ kỷ niệm cấp quốc gia, cầu truyền hình, các cuộc đi thăm hỏi, động viên người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, TP tập trung chỉ đạo thanh tra kết luận vụ việc ở Đồng Tâm, đến nay về cơ bản mọi việc đã ổn định.

Để khắc phục các tồn tại đã nêu và giải pháp để thực hiện nhiệm vụ các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Thông tin & Truyền thông thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, cấp độ 4 cuối năm đạt 55%.

Cùng đó, triển khai nghiên cứu và thống kê mẫu để cập nhật thông tin dữ liệu đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, đôn đốc kế hoạch sắp xếp loa phường theo đúng kế hoạch; đôn đốc việc hạ ngầm ở các tuyến phố…

Về công tác giải ngân, Sở Kế hoạch đầu tư tập trung đôn đốc giải quyết công tác giải ngân trong xây dựng, đặc biệt 5 Ban Quản lý dự án của TP có trách nhiệm, cố gắng rà soát lại các vướng mắc khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trước con số thống kê tại TP có 8910 người bị sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế cùng các quận huyện đôn đốc quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết, triển khai phun thuốc diệt muỗi, hướng dẫn người dân trong diệt loăng quăng, bọ gậy.

Trong tháng 8/2017 với nhiều ngày lễ lớn, Chủ tịch yêu cầu chuẩn bị cho công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn sắp tới của TP như ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và các báo đài của TP chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền.

Chủ tịch giao Sở Kế hoạch đầu tư chịu trách nhiệm hoàn thành hồ sơ đầu tư công, dự án ngoài đầu tư công để kịp trình HĐND phê duyệt.

Đề nghị Sở Xây dựng đôn đốc các đơn vị đã đấu thầu thu gom rác thải xem xét trong thời gian vừa qua, đơn vị nào vi phạm 3 lần; không thực hiện được việc cơ giới hóa... thì cắt hợp đồng với đơn vị đó, không để các công ty trong thời gian vừa qua để rác như trên địa bàn một số quận huyện TP như báo chí đã nêu.

Đồng thời, triển khai các hệ thống nghiền rác thải rắn khi phá dỡ các tòa nhà. Sở Xây dựng khi cấp phép xây dựng phải yêu cầu có hợp đồng liên quan đến nghiền rác thải rắn và có nơi xử lý phù hợp, không để có sự việc rác thải xây dựng đổ trộm ở bãi sông Hồng như thời gian qua...

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Nông nghiệp đôn đốc việc sửa chữa đê điều, hoàn thành sớm, trước mùa mưa bão, tránh sụt lở, ảnh hưởng đến đê điều; Công ty nước sạch Hà Nội có kế hoạch triển khai dư án đầu tư công nước sạch, chuẩn bị phương án công nghệ bảo đảm nước uống được tại vòi.