Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc tổ chức tại Sơn Tây

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/11, Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 13, chủ đề “Khoa học địa lý Việt Nam với sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và phát triển kinh tế tuần hoàn” chính thức diễn ra tại thị xã Sơn Tây.

Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 13 được tổ chức tại thị xã Sơn Tây.
Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 13 được tổ chức tại thị xã Sơn Tây.

Sự kiện do Hội Địa lý Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường cùng thị xã Sơn Tây phối hợp tổ chức. Đến dự hội nghị có GS.TS Nguyễn Cao Huần - Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; GS.TS Noma Haruo - Chủ tịch Hội Địa lý Nhật Bản, cùng chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ giảng viên các trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Cao Huần cho biết, Địa lý học là hệ thống khoa học mang tính tổng hợp, liên ngành cao với các lĩnh vực cốt lõi. Thành tựu trong nghiên cứu và đào tạo, phân biện xã hội của những nhà địa lý Việt Nam đã được xã hội thừa nhận, khẳng định vị thế cao của ngành trong các hiệp hội khoa học - kỹ thuật của cả nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển từ 1988 đến nay, Hội Địa lý Việt Nam với những đóng góp to lớn và thiết thực đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước. Những nhà khoa học Hội Địa lý Việt Nam đã thực hiện thành công và hiệu quả hàng trăm đề tài nghiên cứu các cấp thuộc nhiều lĩnh vực.

Nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ đến dự hội nghị.
Nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ đến dự hội nghị.

“Hội Địa lý Việt Nam phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường (trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng thị xã Sơn Tây tổ chức Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 13 với chủ đề “Khoa học địa lý Việt Nam với sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và phát triển kinh tế tuần hoàn” tại thị xã Sơn Tây, một đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội mang đậm nét đặc trưng văn hóa Xứ Đoài độc đáo với lịch sử 200 năm xây dựng và phát triển” - GS.TS Nguyễn Cao Huần nói.

Phát biểu tại  hội nghị, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 13 được tổ chức tại thị xã Sơn Tây là cơ hội tốt để địa phương giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử, nhân văn đặc sắc đến với đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp quan trọng để tập thể giáo viên và học sinh thị xã Sơn Tây có cơ hội tiếp cận, trau dồi các kiến thức về địa lý, bổ sung thêm những kiến thức mới vào bài học trên lớp thêm phong phú.

“Sơn Tây là đô thị cổ lâu đời, được hình thành từ thế kỷ XV. Đây cũng là trung tâm văn hóa xứ Đoài với nhiều di tích lịch sử, văn hóa; là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng” - TS Trần Anh Tuấn nói và bày tỏ hy vọng trong những ngày lưu lại Sơn Tây để tham dự hội nghị, các đại biểu sẽ có nhiều thời gian khám phá những di sản văn hóa, lịch sử của thị xã.

GS.TS Nguyễn Cao Huần được trao bằng khen tại hội nghị.
GS.TS Nguyễn Cao Huần được trao bằng khen tại hội nghị.

Bí thư Thị ủy Trần Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay, Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị vệ tinh với chức năng đô thị văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng; phát triển du lịch gắn liền với các di tích quan trọng.

Nhân dịp Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 13 được tổ chức tại đây, lãnh đạo thị xã Sơn Tây bày tỏ mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thêm về những di sản địa lý cũng như con người Sơn Tây để thị xã tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng.

Hội nghị Khoa học địa lý toàn quốc lần thức 13 sẽ diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/11) tại thị xã Sơn Tây.

 

“Sau một năm chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được hàng trăm báo cáo khoa học và đã chấp nhận đăng 218 bài. Các công trình trong kỷ yếu Hội nghị đã được xét duyệt và phản biện kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt, đa dạng về chủ đề và nội dung, được chia thành 5 lĩnh vực: Điều kiện tự nhiên và tai biến thiên nhiên; Quy hoạch và quản lý tài nguyên thiên nhiên; Điều kiện kinh tế - xã hội và phát triển du lịch; Công nghệ địa lý và Giáo dục địa lý” - GS.TS Nguyễn Cao Huần.