Hội nghị lần thứ 6, BCH Đảng bộ TP: Đánh giá kỹ giải pháp phục hồi kinh tế trước diễn biến mới của dịch

Thủy Tiên - Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay, 1/12, Hội nghị lần thứ 6 BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiếp tục ngày làm việc thứ 2, nghe tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ về các báo cáo, dự thảo Nghị quyết, Chỉ thị trình Hội nghị. Đồng thời, lãnh đạo TP cũng giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về phát triển công nghiệp văn hóa, các dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng và công tác quản lý đất đai, khoáng sản... giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, 4 tổ đã báo cáo ý kiến thảo luận (ngày 30/11) về các nội dung quan trọng tại Hội nghị lần này, trong đó báo cáo, tờ trình về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2021 và định hướng năm 2022 của TP; dự thảo Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”; dự thảo Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”...

Quảng cảnh hội nghị

Quan tâm đến nguồn lực, cơ chế chính sách để phát triển văn hóa

Theo đó, cơ bản các ý kiến đều có chung đánh giá, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời bàn về các vấn đề rất quan trọng. Dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, gồm: Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn TP giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo” là nội dung quan trọng trong quá trình phát triển của Hà Nội.

Về Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy "về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đây là Nghị quyết chuyên đề riêng của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa, cũng là 1 trong 2 Nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo - Tổ trưởng Tổ 1

Trong đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo - Tổ trưởng Tổ 1 cho biết, về văn hóa xã hội, các ý kiến thảo luận cho rằng, cần quan tâm đến 522 di tích lịch sử, dành nguồn lực, phân cấp, đặc biệt là cơ chế chính sách để phát triển văn hóa. Tập trung phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, thu hút lao động. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ bản thống nhất với phân cấp 2022.

Các ý kiến tổ 1 cũng đề nghị, cần quan tâm đến huyện có nguồn thu khó khăn, các quận dù giảm nguồn thu nhưng cố gắng tập trung cho nguồn lực của TP. Về Dự thảo 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, cần đánh giá sự kịp thời và cần thiết của 2 Chỉ thị này để có cơ sở pháp lý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các nội dung này. Siết chặt kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý sai phạm.

Thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm

Đại diện tổ 2 - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hoàng Trọng Quyết - Tổ trưởng cho biết, 25 ý kiến trong tổ đều thể hiện sự thống nhất đối với các nội dung trong báo cáo. Báo cáo bổ sung đánh giá bước đầu việc thực hiện chính quyền đô thị. Trong công tác phòng chống dịch, quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, hướng dẫn thống nhất triển khai trạm y tế lưu động; có hướng dẫn cụ thể và thống nhất thực hiện việc mua sắm kịp thời các trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch. Việc này cơ sở còn lúng túng, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng “sợ mua sắm, ngại mua sắm”.

 Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hoàng Trọng Quyết báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ 2

 Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, về phân cấp nguồn thu, chi ngân sách, các ý kiến đề nghị TP quan tâm đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công; xem xét điều tiết nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng theo hướng tăng tỷ lệ để lại của các địa phương để ưu tiên có nguồn lực cho các địa phương, xem xét tăng chi cho cấp xã, văn hóa cơ sở; nghiên cứu để cân đối và sử dụng tốt nguồn cải cách tiền lương hiện có. Có cơ chế chính sách để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh công tác GPMB, phân cấp ủy quyền để nâng cao chất lượng đầu tư công. Cần tập trung tăng cường cho lĩnh vực văn hóa, hạ tầng giao thông trọng điểm, xử lý môi trường.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức báo cáo tổng hợp thảo luận tổ tại Hội nghị

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức - Tổ trưởng Tổ 3 cho biết, 22 ý kiến trực tiếp và một số đại biểu góp ý bằng văn bản đã bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các báo cáo được nêu tại hội nghị. Các đại biểu cũng đánh giá cao sự linh hoạt, khoa học trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP trong việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân triển khai công tác phòng chống dịch song hành với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Các đại biểu tổ 3 cũng đề nghị TP tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh GPMB tại các dự án trọng điểm; tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới; phát triển hệ thống văn hóa cơ sở; có chính sách hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương báo cáo kết quả thảo luận tổ tại Hội nghị

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương - Tổ trưởng Tổ 4 cho hay, về kinh tế xã hội, trong 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù địa bàn phức tạp, đa dạng nhưng công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát tốt. Ý kiến tổ 4 cũng đề nghị quan tâm hơn hoạt động của du lịch; xây dựng phương án trẻ không có đủ điều kiện trang thiết bị học tập; quan tâm tới tiến độ khởi công các khu, cụm công nghiệp.

Các đại biểu tổ 4 cũng đề nghị, về công tác bảo vệ môi trường, cần phải làm rõ hơn, phê duyệt cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch di dời khỏi nội đô; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. Về định mức phân bổ ngân sách, đề nghị điều chỉnh, quan tâm nhiều hơn tới các huyện nghèo. Rà soát kỹ các công trình trọng điểm, cần có chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Năm 2022, phải đánh giá kỹ hơn công tác phục hồi kinh tế khi xuất hiện biến chủng virus mới. Về nghị quyết chuyên đề phát triển công nghiệp văn hóa, cần tăng cường đẩy mạnh thiết chế văn hóa cơ sở...

TP sẽ rà soát để có giải pháp quyết liệt để nâng tỷ lệ giải ngân cao nhất

Phát biểu giải trình một số nội dung trong phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Phiên thảo luận của hội nghị đã có 89 lượt ý kiến đại biểu tại 4 tổ tham gia ý kiến vào 6 nội dung quan trọng. Qua tổng hợp cho thấy, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến sâu sắc, xác đáng, toàn diện với tinh thần trách nhiệm cao; thống nhất cáo với các báo cáo, tờ trình trình hội nghị lần này, đồng thời đã có những đóng góp sâu sắc đối với các vấn đề cụ thể. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP tiếp thu và lĩnh hội các ý kiến đóng góp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm rõ thêm một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội tại Hội nghị

Chủ tịch UBND TP cũng làm rõ thêm một số nội dung về điều tiết tiền sử dụng đất; định mức phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ chi thực hiện các đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; định mức phân bổ nhiệm vụ chi đối với công tác dân số; kinh phí khoán xe ô tô tại các quận, huyện, thị xã; nguồn cải cách tiền lương;…

Về định mức chi sự nghiệp văn hóa, Chủ tịch UBND TP cho biết: Định mức của giai đoạn 2022 – 2025, được tính theo phương pháp bình quân, dân số để tạo nguồn cho các địa phương. Dự toán cụ thể hàng năm do UBND các quận huyện thị xã báo cáo HĐND cùng cấp tính toán theo tình hình thực tế, chế độ chính sách hiện hành đối với kinh phí hoạt động.

Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, trong 2 tháng cuối năm, Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ rà soát tình hình triển khai để có giải pháp quyết liệt để nâng tỷ lệ giải ngân cao nhất. Trong kế hoạch năm 2022 đối với nhiệm vụ chi, TP sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho công tác văn hóa, y tế, giáo dục. Trong đó, tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích. TP cũng đề nghị các đơn vị đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để TP có bố trí vốn. TP ưu tiên cho các quận huyện làm chủ dự án đầu tư công từ ngân sách TP trong kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, TP sẽ tập trung tăng cường cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kinh tế số, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần