Ngày 24/4, tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo (Phiên họp thứ 3).
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo kết quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị từ tháng 1/2022 đến nay; tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý biên chế đến năm 2026.
Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổng kết việc quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành các văn bản về quản lý biên chế và các quyết định về biên chế giai đoạn 2022-2026 trong hệ thống chính trị.
Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.
Các cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế đã tập trung chỉ đạo cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị về quản lý biên chế; thực hiện việc giao biên chế giai đoạn 2022-2026 cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu.
Cùng với việc giao biên chế giai đoạn 2022-2026, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành tiến hành giao biên chế hàng năm cho từng cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc phạm vi quản lý.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo tổ chức quán triệt các văn bản của Bộ Chính trị về quản lý biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế hàng năm và giai đoạn 2022-2026; xác định cụ thể lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tinh giản biên chế đến hết năm 2026; rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và danh mục vị trí việc làm.
Công tác kiểm tra, giám sát về quản lý biên chế bước đầu được thực hiện, tập trung vào thẩm định trước khi giao biên chế bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc.
Công tác quản lý biên chế đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế; tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Công tác quản lý biên chế tiếp tục đổi mới, đạt kết quả tích cực, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan được giao thẩm quyền quản lý biên chế, tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương, cơ quan, đơn vị; chấm dứt việc giao biên chế vượt số lượng, không đúng thẩm quyền.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị và các tổ chức trực tiếp sử dụng biên chế đã nghiêm túc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước; chủ động trong thực hiện tinh giản biên chế gắn với rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm; sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sử dụng hiệu quả biên chế được giao. Đến ngày 31/12/2023, toàn hệ thống chính trị đã ban hành 2.526 danh mục vị trí việc làm.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế đến năm 2026, Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả biên chế được giao, chủ động phương án, lộ trình tinh giản biên chế, bảo đảm đến hết năm 2026, số biên chế của hệ thống chính trị tối đa bằng số Bộ Chính trị giao.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, làm cơ sở để giao biên chế giai đoạn tiếp theo; tham mưu Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong quy định, quyết định về giao, quản lý biên chế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu rà soát, cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các văn bản pháp luật đồng bộ với chủ trương của Đảng; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.