Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị lần thứ hai mươi mốt Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Thảo luận nhiều nội dung quan trong phát triển kinh tế - xã hội

Thủy Tiên - Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (23/11), tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã tiến hành Hội nghị lần thứ hai mươi mốt, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

 Hội nghị lần thứ hai mươi mốt Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI
Diễn ra trong 1 ngày, Hội nghị sẽ tiến hành nghe, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội của TP Hà Nội: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của TP năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2020; Chủ đề công tác năm 2020 của TP; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2020.
Hội nghị cũng nghe báo cáo kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2020-2022 của TP; Báo cáo về phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của TP; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2019, kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách TP năm 2020 của TP, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của cấp TP.
GRDP ước tăng 7,46%- mức tăng cao nhất trong 4 năm qua

Mở đầu Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Năm 2019, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,46%. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt kế hoạch đề ra, cao hơn mức tăng GDP của cả nước (6,8%). Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,0% (cùng kỳ tăng 7,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,8% (năm 2018 tăng 9,7%).

  Phó Chủ tịch UBND TPNguyễn Doãn Toản đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,8% (cùng kỳ tăng 18,83%) với điểm sáng là đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu Phi. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 1,77% (cùng kỳ tăng 7,47%). Khách du lịch tăng khá, dự kiến đạt 28,945 triệu lượt, tăng 10,1%, trong đó khách quốc tế tăng 17%...

Khách du lịch tiếp tục tăng khá, dự kiến đạt 28,945 triệu lượt, tăng 10,1%, trong đó khách quốc tế tăng 17%. Thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất lúa mùa ước đạt 53,2 tạ/ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 tăng 4 bậc, xếp thứ 9/63 tỉnh, TP - cao nhất từ trước tới nay, hoàn thành sớm hơn 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD - cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước.

Công tác quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. TP đã phê duyệt 57/68 đồ án (26/35 quy hoạch phân khu và 31/33 quy hoạch chung); tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%. Hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển và đẩy nhanh tiến dộ: Vành đai 2 trên cao, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, 60 công trình cải tại, sửa chữa chống xuống cấp và chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông. TP cũng chỉ đạo tích cực tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch; đưa vào vận hành và phát huy hết công suất các nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, Sông Đuống, Hà Đông, Trạm bơm tăng áp và bể chứa từ nguồn nhà máy nước Sông Đà. Đặc biệt, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch ước đạt 75% (kế hoạch 69%).

Cùng với đó, TP trồng mới được 350.000 cây đô thị và cây bóng mát; tổ chức cắt, tỉa 58.000 lượt cây xanh để đảm bảo an toàn mùa mưa bão; hoàn thành hạ ngầm được dây tại 110/177 tuyến phố theo kế hoạch 4 đợt đầu; thực hiện kế hoạch hạ ngầm đợt 5 với tổng số 114 tuyến/11 quận nội thành. TP đã tổ chức kiểm tra, giải quyết 77/89 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp. Đồng thời, cấp GCN sử dụng đất cho các tổ chức đạt 94,67%, cho các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng đạt 25,53%; tỷ lệ giao đất dịch vụ ước đạt 80%…

Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới, TP đã có 6 huyện và 355 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 91,9%), hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ.

Hội nghị lần thứ hai mươi mốt Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Thảo luận nhiều nội dung quan trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3
 Toàn cảnh hội nghị. 
Đầu tư hạ tầng cũng cần đi trước một bước
Thảo luận tại hội nghị, Bí thư thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai đánh giá 21/22 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch, cơ bản TP sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu năm 2019 cũng như các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Một trong những vấn đề khởi sắc của TP là đảm bảo an sinh xã hội, nhìn thấy rõ sự chuyển biến tại cơ sở. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của TP vẫn chưa đạt được như mong muốn. Trong đó, tăng trưởng dịch vụ du lịch mới đạt 6,8% (Kế hoạch là 7,1%), điều này chưa được phân tích rõ ràng. Nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn từ dịch tả lợn châu Phi tuy nhiên cũng cần phân tích những nguyên nhân tác động khác để không làm ảnh hưởng đến những chỉ số khác. Về chỉ tiêu năm 2020, chúng ta đều đặt ra những mục tiêu an toàn, chưa có mục tiêu tập trung để nông nghiệp có thể tăng 3%. Đối với thị xã Sơn Tây, có một số chỉ tiêu sẽ gặp khó khăn như nước sạch nông thôn.
Hội nghị lần thứ hai mươi mốt Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Thảo luận nhiều nội dung quan trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 4
 Bí thư thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai
Trong thời gian tới, Bí thư thị ủy Sơn Tây cho rằng TP cần tập trung vào chỉ tiêu nước sạch nông thôn; di dời những cơ sở gây ô nhiễm, tăng việc làm cho người lao động và tăng hiệu quả sử dụng đất; đặc biệt là quan tâm đến công tác chuẩn bị đầu tư.
Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hồ Thị Vân Nga chỉ rõ mặc dù một số chỉ tiêu của TP đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức song một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt được như mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, cần phải có phân tích sâu hơn và tìm ra động lực tăng trưởng mới thì mới đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, số thu ngân sách địa phương còn có sư chênh lệch lớn, thể hiện rõ ở nguồn thu từ đất. Vì vậy các đơn vị cần rà soát, dự kiến khả năng thực hiện các dự án, tăng cường sự chỉ đạo quyết liệt trong việc thu ngân sách địa phương.
Hội nghị lần thứ hai mươi mốt Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Thảo luận nhiều nội dung quan trong phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 5
 Giám đốc sở Công thương Lê Hồng Thăng. 
Để chuẩn bị cho năm 2020, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho rằng phải xử lý những vấn đề mang tính chất chiến lược. Hội nhập sâu, hội nhập trước một bước thì chúng ta phải có những dự báo lường trước về phát triển kinh tế. Trong đó, giải pháp cơ bản và hàng đầu là Nhà nước đồng hành cùng DN. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng cũng cần đi trước một bước. Trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Giám đốc sở Công thương chỉ rõ nếu chất lượng sản phẩm và các điều kiện kinh doanh được làm rõ thì người tiêu dùng sẽ không bao giờ quay lưng với hàng Việt.
Nêu việc thu ngân sách từ việc hoạt động sản xuất kinh doanh đã chuyển biến tốt, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân khẳng định điều đó cho thấy việc tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp đã đạt hiệu quả.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu liệu TP có thể đạt được chỉ tiêu nước sạch nông thôn đã đề ra hay không, ông Nguyễn Nguyên Quân cho rằng TP đã đáp ứng được hệ thống đường ống mạng lưới nước sạch, còn việc người dân có dùng hay không lại phụ thuộc vào công tác tuyên truyền để chuyển biến nhận thức.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Đô thị HĐND TP còn chỉ ra một số chỉ tiêu cần tập trung thực hiện như: chỉ tiêu về nước sách tại cụm công nghiệp và xử lý nước thải tập trung; chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ người dân dùng vận tải công cộng chưa cao so với những gì TP đã đầu tư; công tác quy hoạch nông thôn còn triển khai chậm, cần sự tập trung chỉ đạo hướng dẫn của TP.
Đánh giá các cấp các ngành đã thực sự có chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động nhấn mạnh Chương trình 04 về thực hiện 2 Quy tắc ứng xử của TP đã lan tỏa đến cơ sở. Giám đốc Sở VHTT cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến việc làm đẹp TP, bởi nếu chỉ trông mong vào DN thì sẽ không đủ mà cần thêm ngân sách đầu tư.
Về công tác chăm sóc sức khỏe người dân, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các quận huyện thực hiện công tác phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, nâng cấp các trạm y tế, đầu tư xây dựng các tuyến bệnh viện mới.

Thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu nêu. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, về tăng trưởng nông nghiệp, thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, TP chưa có chủ trương tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi mà tăng các đàn gia cầm, gia súc và thủy hải sản. Về việc xử lý nước thải 17 cụm công nghiệp, TP đã đề xuất tạm gác các chỉ tiêu này lại vì đến nay TP chưa giải quyết được giá dịch vụ cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư trong lĩnh vực này. Vì thế, TP quyết định bố trí vốn ngân sách giao cho ban nông nghiệp thực hiện.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo quận huyện tăng cường tổ chức hòa giải ngay tại cơ sở; lãnh đạo các sở ngành phải xem xét đưa thêm chỉ tiêu thi đua hàng năm để nâng cao thái độ ứng xử của cán bộ, công chức viên chức.