Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị T.Ư 7 thảo luận Đề án cải cách bảo hiểm xã hội: Tăng tuổi hưu theo lộ trình là xu thế tất yếu

Trần Hà tổng hợp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/5, Hội nghị T.Ư 7 bước sang ngày làm việc thứ 4, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng điều hành phiên thảo luận.

Buổi sáng 10/5, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án cải cách chính sách BHXH. 
 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng điều hành phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trí Dũng

Đề án cải cách chính sách BHXH được xây dựng và trình Hội nghị T.Ư lần này hướng tới mục tiêu để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững… Một trong những nội dung quan trọng là các cơ quan xây dựng chính sách kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt, đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính thực tiễn và khả thi cao. Nội dung Đề án thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời cho rằng, đây là một Đề án lớn cần được triển khai đồng bộ với nhiều đề án, chương trình khác, mới đảm bảo sự thành công. Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Cần thiết điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các ý kiến cho rằng, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh nước ta hiện nay, nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như: Đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, đảm bảo cân đối quỹ BHXH…

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Tuổi nghỉ hưu thực tế của chúng ta hiện nay thấp nhất trong khu vực. Vì sao bình quân của chúng ta là 54,3; trong khi đó, nam là 55,6, nữ có 52,6. Mức đóng bình quân của chúng ta là 22%, mức hưởng 70% trung bình. Nam đóng bảo hiểm hiện nay bình quân là 28 năm và sống sau 60 tuổi hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm, nhưng hưởng tới 27 năm.
Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó thì rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị T.Ư có quyết tâm chính trị lớn, đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này. Trước hết, về chọn thời điểm, trong tờ trình T.Ư xin cho phép bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021 và những người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 là từ 2025 (phương án mỗi năm tăng 3 tháng tuổi), thời điểm bắt đầu dân số già.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và phù hợp với đối tượng. “Cũng cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại, một số ngành nghề có thể do tính chất lao động, thời gian làm việc, thời gian lao động rất sớm.
Như vậy, chúng ta nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên thể thao hay những ngành nghề như dưới hầm lò, cầu đường… Cần đánh giá tác động của chính sách này đối với nhóm đối tượng đặc thù. Cũng có thể phải tính luôn đến việc có các chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này nếu họ còn lao động" - bà Hà đề nghị.

Tăng bảo hiểm xã hội bắt buộc để mở rộng đối tượng

Liên quan đến việc mở rộng đối tượng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng: Muốn phát triển được BHXH, phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay, chúng ta còn 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này; ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn của BHXH. Đồng thời Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
“Hiện nay, Nhà nước đang thực hiện chủ trương đối với hộ nghèo hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo 25% và người bình thường 10% để tham gia BHXH. Nhưng thực ra, những chủ trương này vừa qua chưa thực sự hấp dẫn. Vì trong thực tiễn, người nghèo mà Nhà nước hỗ trợ 30% thì cũng khó có thể tham gia được” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nói.
 Toàn cảnh Hội nghị T.Ư 7 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhằm hướng tới BHXH toàn dân, cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô. Bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay mới chỉ có 13 triệu người tham gia BHXH và chỉ 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, T.Ư cũng cần cân nhắc việc thay đổi điều kiện, chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống 10 năm như trong Đề án.

“Đây là vấn đề hết sức thận trọng, có 10 năm đóng bảo hiểm là đã nghỉ hưu rồi mà trước đây là 20 năm. Khi thảo luận về vấn đề này, Đảng, Quốc hội chỉ đề nghị xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm, thì tình hình quỹ của chúng ta thế nào? Đóng 10 năm, nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì thấy quỹ cân đối như thế nào? Xảy ra mất cân đối giữa thu và chi, cho nên không nên giảm quá sâu mà cùng lắm 15 năm đã là tích cực” - Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Các ý kiến cũng đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần đang ngày càng tăng, điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, số lao động nhận tiền một lần đang tăng cao. Giai đoạn 2012 - 2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần; tức là 2 người tham gia thì một người rút ra khỏi hệ thống. Do đó làm mất đi ý nghĩa đóng BHXH được hưởng lương hưu, đảm bảo cuộc sống của họ khi tuổi già. Vì thế, nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận.

Khắc phục tình trạng trốn đóng

Việc trốn đóng, nợ đọng BHXH cho người lao động cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tình trạng trốn, nợ đọng BHXH diễn ra ở hầu hết các địa phương, nhiều DN thuộc các loại hình kinh tế, có cả DN vốn đầu tư nước ngoài và kể cả DN Nhà nước. Nhiều trường hợp DN xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với cơ quan BHXH. Số nợ BHXH ước tính đến giữa năm 2017 là gần 15.000 tỷ đồng.

Với đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng góp ý: Cơ quan Thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời với thu thế và thu các khoản BHXH của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. Nhiều DN lợi dụng lương tối thiểu để làm cơ sở đóng BHXH, do đó nên tiến tới liên thông giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH để thu BHXH theo tiền lương. DN kê khai thuế và căn cứ quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế của DN thì sẽ phải đóng BHXH đúng với mức lương của người lao động được hưởng.

Để hạn chế tình trạng nợ BHXH, các đại biểu cũng đề nghị thực hiện tốt việc cấp công đoàn cơ sở khởi kiện chủ DN nếu chậm đóng BHXH cho người lao động.