Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Nỗ lực để thoát ra khỏi vòng xoáy nợ công của lãnh đạo EU là có thừa nhưng gần 3 năm sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, nền kinh tế của khu vực vẫn chưa thể trị dứt bệnh chi nhiều hơn thu. Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày (18 - 19/10) là cơ hội để các nhà lãnh đạo trong khối hiện thực hóa khả năng tìm ra con đường ngắn nhất để kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công. Trước thềm cuộc họp, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lạc quan cho rằng “những điều tồi tệ nhất đã qua”, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, châu Âu đã được trang bị những cơ chế tốt nhất để bước dần ra khỏi khủng hoảng.
Trong hơn một tháng qua, sự ra đời của Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) với nguồn vốn thường trực 500 tỷ Euro và 200 tỷ Euro được huy động khi cần, quy định cho phép Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) được phép mua không hạn chế trái phiếu Chính phủ khu vực trên các thị trường thứ cấp đã thiết lập nên các "bức tường lửa" bảo vệ kinh tế Eurozone trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, thông tin nợ xấu của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha trong tháng 8 lên mức cao nhất 50 năm qua, ngân hàng lớn thứ 3 của Italia là Monte dei Paschi di Siena đối mặt với rủi ro vỡ nợ... cho thấy một cú sốc tín dụng hoàn toàn có thể xảy ra tại thị trường tài chính Eurozone. Trước đó, hôm 17/10, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ tín nhiệm của 5 khu tự trị của Tây Ban Nha, bao gồm Andalusia, Aragon, Canary, Galicia, Madrid, phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực...
Trước những vấn đề nan giải mà Eurozone đang phải đối mặt, các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ xóa bỏ được những mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên về kế hoạch phát hành trái phiếu chung, hay việc xây dựng một liên minh ngân hàng giúp củng cố sức mạnh của khu vực. Tuy nhiên, trong ngày nhóm họp đầu tiên 18/10, các đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước cho thấy dù EU có phát đi thông điệp quyết tâm giữ vững sự ổn định của Eurozone mạnh mẽ thế nào đi nữa thì việc khu vực có thể tiến một bước dài ra khỏi khủng hoảng sau Hội nghị lần này vẫn đang là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.