Tôn trọng tự do hàng hải, hàng không Tuyên bố chung G7 nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại trước tình trạng tại Biển Đông và Hoa Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”. Các lãnh đạo G7 khẳng định, tuyên bố chủ quyền cần phải dựa trên luật pháp quốc tế và cảnh cáo các nước không nên có "hành động đơn phương gây căng thẳng" và tránh "sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để củng cố tuyên bố chủ quyền".
Tuyên bố trên xuất hiện vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông tăng cao khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, tiến hành bồi đắp, cải tạo phi pháp một số đảo đá bất chấp sự phản đối từ khu vực và quốc tế. Trước đó, giới chức Mỹ và Nhật lo ngại rằng, các nước châu Âu có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh sẽ không lên tiếng về vấn đề Biển Đông vì ngại “đụng chạm” đến đối tác kinh tế lớn là Trung Quốc. Vì vậy, với tuyên bố chung khá cứng rắn đối với nền kinh tế thứ 2 trên thế giới, nhiều nhà bình luận đánh giá, dù chỉ là ám chỉ, đây cũng là chiến thắng cho Tokyo và Washington. Điều này khiến Bắc Kinh phải “dè chừng” và nhận ra rằng, các động thái ngang ngược của nước này tại khu vực cũng khiến các nước vốn chỉ là các đối tác kinh tế lo lắng. Chưa giải quyết xong “ưu tiên cấp bách” Sau 2 ngày, các nhà lãnh đạo của các nền công nghiệp lớn đã nhất trí, nhiệm vụ thiết lập tăng trưởng toàn cầu là một "ưu tiên cấp bách”. Trong đó, việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây ra một mối nguy lớn với sự phát triển toàn cầu, đảo ngược xu hướng tăng trưởng thương mại, đầu tư và việc làm toàn cầu. Khả năng Anh rời EU được liệt kê là một trong những cú sốc lớn có “nguồn gốc phi kinh tế” cùng các yếu tố như xung đột địa chính trị, chủ nghĩa khủng bố và cuộc khủng hoảng tị nạn. Tuy nhiên, ngoài một cam kết chung chung “sử dụng một kết hợp chính sách mạnh mẽ hơn và cân bằng, để nhanh chóng đạt được một mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng", các lãnh đạo G7 vẫn chưa đưa ra được một phương án cụ thể nào nhằm phục hồi nền kinh tế thế giới. Điều này khiến dư luận lo ngại, chính lãnh đạo các nền kinh tế lớn cũng đang “bế tắc” trong vấn đề trọng yếu của diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. |
Phát biểu tại Hội nghị G7 mở rộng sáng 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Sri Lanka, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổng Thư ký tổ chức OECD và lãnh đạo tỉnh Aichi cùng lãnh đạo một số DN Nhật Bản. |