Nền móng cho quan hệ lâu dài Mỹ - ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN (15 - 16/2), các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề như hoạt động chống khủng bố, an ninh hàng hải.

Ngoài ra, một phần không nhỏ trong chương trình sẽ được dành cho các vấn đề kinh tế, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ sẽ bàn thảo về các vấn đề an ninh và kinh tế.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ sẽ bàn thảo về các vấn đề an ninh và kinh tế.
Ông Daniel R. Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, đây sẽ là một cuộc thảo luận mở giữa các nhà lãnh đạo.

Cân bằng ảnh hưởng

Đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước ASEAN, sự kiện khẳng định tầm quan trọng của khu vực này trong chính sách đối ngoại của Washington.

Hội nghị này cũng đặt nền móng cho quan hệ ASEAN - Mỹ trong tương lai khi Tổng thống Mỹ chuẩn bị rời Nhà trắng vào cuối năm nay. "Đây là một động thái của Tổng thống Obama để đảm bảo mối quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ tiếp tục trên những gì đã được xây dựng trong suốt nhiệm kỳ của mình" - bà Thuzar - một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói.

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân là do cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cả hai đều bất đồng quan điểm về chương trình cải tạo và xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại các đảo trong khu vực Biển Đông. Washington quan ngại rằng hành động của Bắc Kinh trong khu vực sẽ đe dọa tự do hàng hải. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á cũng muốn có quan hệ thân thiết hơn với Mỹ nhằm cân bằng mối đe dọa từ Bắc Kinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận Merdeka (Malaysia) Ibrahim Suffian cho biết. Còn một số nước như Myanmar, đang chuyển đổi sang nền dân chủ cũng muốn cân bằng ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc bằng cách tăng cường sự hiện diện của các DN Mỹ và phương Tây tại đây.

Hợp tác kinh tế là trọng tâm

Ông Alexander C. Feldman - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN cho rằng, ASEAN chính là miếng ghép thiết yếu của bức tranh mà các Chính phủ tiền nhiệm thường không xem trọng.

Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, sự lệ thuộc về kinh tế của ASEAN vào Bắc Kinh cũng giảm dần. Trong khi đó, chiến lược của Mỹ vẫn tập trung vào đầu tư trực tiếp - lĩnh vực họ có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc. Các DN Mỹ trong giai đoạn 2012 - 2014 đã rót 32,3 tỷ USD vào Đông Nam Á, so với mức 21,3 tỷ USD từ Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ là duy trì thế thượng phong về đầu tư, các nhà phân tích nhận định. Và TPP sẽ thúc đẩy thực hiện mục tiêu đó. "Lợi thế của Mỹ trong đầu tư trực tiếp có thể đem về lợi ích lớn trong dài hạn" - ông Stuart Dean - cựu lãnh đạo General Electric nhận định.