70 năm giải phóng Thủ đô

Hội nghị Thường niên CPTA lần thứ 16: Cơ hội quảng bá văn hóa, con người Hà Nội

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập trung đánh giá, hoạch định và thống nhất những kế hoạch, dự án mới hay đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch của mạng lưới các TP lớn châu Á, là những điểm nhấn được đưa ra thảo luận trong Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) lần thứ 16 tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quà cho các đại diện TP thành viên. Ảnh: Hồng Hạnh
Xây dựng và trưởng thành
CPTA gồm các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thuộc 10 TP thành viên trong mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21) là Tokyo, Bangkok, New Delhi, Kuala Lumpur, Jakarta, Seoul, Đài Bắc, Metropolitan Manila, Tomsk và Hà Nội. Giám đốc Cục Lao động và Công nghiệp Tokyo là Chủ tịch Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á và Ban Thư ký Hội đồng là đơn vị thường trực.
Hà Nội là một thành viên tích cực, chủ động cũng như làm tốt công tác phối hợp trong mọi hoạt động của CPTA. Việc tham gia CPTA giúp Hà Nội rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong vấn đề phát triển ngành du lịch thông qua việc trao đổi thông tin giữa các TP thành viên. Ngoài ra, CPTA năm nay sẽ là cơ hội để Hà Nội giới thiệu tới bạn bè quốc tế một Thủ đô năng động, thân thiện và mến khách với tiềm năng lớn trong phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý
Tại buổi khai mạc Hội nghị Thường niên của CPTA lần thứ 16 sáng 6/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, trong quá trình 16 năm xây dựng và trưởng thành, CPTA đã chứng tỏ được tính năng động, cập nhật và thích ứng cùng sự phát triển chung của toàn cầu. Hà Nội luôn coi trọng và tham gia tích cực vào các hoạt động của CPTA.

Đồng hành cùng CPTA trong suốt quá trình 16 năm hình thành và phát triển, năm 2018, Hà Nội vinh dự tiếp nhận vị trí chủ nhà tổ chức Hội nghị Thường niên của CPTA lần thứ 4. Phó Chủ tịch UBNDTP Ngô Văn Quý khẳng định, ngành du lịch Hà Nội trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được lãnh đạo TP xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung phát triển. Theo đó, trong thời gian qua, bình quân mỗi năm Hà Nội tiếp đón trên 24 triệu lượt khách, bao gồm 5 triệu khách quốc tế.
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thúc đẩy hợp tác

Theo Chủ tịch CPTA Yuji Fujita, điểm nhấn của Hội nghị năm nay là tạo cơ hội để các TP thành viên tập trung thảo luận, đánh giá những công việc đã triển khai; hoạch định và thống nhất các kế hoạch, dự án mới. Bên cạnh đó, các thành viên đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch của mạng lưới các TP lớn châu Á; nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với các tổ chức, DN các TP thành viên; các vấn đề liên quan đến hợp tác, xúc tiến chiến dịch “Chào mừng đến với châu Á”. Đồng thời, phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của các quốc gia thành viên.

Ông Yuji Fujita nhấn mạnh, bên cạnh những cuộc thảo luận, Hội nghị năm nay cũng bàn đến việc tiếp tục tổ chức cuộc thi ảnh du lịch của các TP, bởi cuộc thi này diễn ra hai năm qua, thu hút nhiều người chụp những bức ảnh đẹp về phong cảnh, về du lịch các TP. Ban tổ chức mong cuộc thi ảnh này sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới và phát triển trên cả thế giới. “Hy vọng rằng trong khuôn khổ hội nghị năm nay, các đại biểu đến từ các TP thành viên có tiếng nói để hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong phát triển du lịch” - Chủ tịch CPTA nói.

Thông qua việc tổ chức hội nghị, ngành du lịch Hà Nội sẽ có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Thủ đô Hà Nội năng động, thân thiện, mến khách; quảng bá tiềm năng du lịch, truyền thống văn hoá lịch sử, các điểm đến du lịch, các sản phẩm và dịch vụ du lịch của TP. Thông qua đó, Hà Nội xây dựng các chương trình du lịch phù hợp, hấp dẫn với du khách quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, vai trò của ngành du lịch Hà Nội nói riêng và vị thế của Hà Nội nói chung trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
CPTA có rất nhiều tác động tích cực đối với ngành du lịch của Philippines nói chung và TP Manila nói riêng. Tuy là một trong những TP tham gia CPTA muộn nhất, song Manila nhận được nhiều lợi ích. Điển hình là việc nhiều TP trong khu vực châu Á đã bắt đầu khai thác những tuyến bay thẳng tới Manila. Tuy nhiên, để ngành du lịch tại các TP khu vực châu Á phát triển hơn nữa, CPTA cần đẩy mạnh tiến hành xây dựng những dự án chung giữa các TP thành viên, qua đó tăng cường việc quảng bá hình ảnh tại mỗi TP thành viên.

Giám đốc Cơ quan Quy hoạch phát triển đô thị của TP Manila Josefina Faulan
Trong những năm gần đây, Hà Nội thực sự đã trở thành một điểm đến thu hút du khách quốc tế, khi sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa truyền thống, lịch sử lâu đời. Bên cạnh việc lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử, có thể nhận thấy, ngày nay Hà Nội đã đạt được nhiều bước tiến trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đổi mới các loại hình sản phẩm du lịch, qua đó tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Trưởng bộ phận quảng bá du lịch thuộc Cơ quan Văn hóa và Du lịch Jakarta (Indonesia) Hari Wibowo