Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Khơi dậy khát vọng phát triển

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (24/11) Ban Tuyên giáo T.Ư cùng Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ mang tính kế thừa những thành tựu, thông điệp của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 và 1948; các quan điểm của Đảng về văn hóa suốt giai đoạn sau này. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ trở thành một động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 20 năm Hà Nội - ''Thành phố Vì hòa bình'' trước Tượng đài Lý Thái Tổ.
Văn hóa lấy hạnh phúc của đồng bào làm cơ sở
Năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Đây là cương lĩnh về văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện quan điểm của Đảng về vị trí của văn hóa đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trước cách mạng, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ ít nhiều cảm thấy bế tắc trong sáng tạo nhưng khi bắt gặp tư tưởng cứu quốc “Tổ quốc trên hết” trong Đề cương văn hóa họ đã hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến.

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát TP Hà Nội. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lĩnh vực văn hoá nói chung, nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ nói riêng. Theo “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (Hà Nội, 2016, tập 3, trang 32), tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc, nêu lên mong muốn “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Vì thế, để tạo ra nền văn hóa Việt Nam, cần phải “lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” – theo ấn phẩm “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận”, Nhà xuất bản Văn hóa (Hà Nội, 1981, trang 516).

Nhận định về bối cảnh của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bối cảnh lịch sử rất quan trọng để giải thích sự ra đời của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Dù đây không phải là thời kỳ thuận lợi nhưng chính nỗ lực tổ chức hội nghị đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước.

Tiếp tục kế thừa, bổ sung

Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 do Đảng ta chỉ đạo được tổ chức từ ngày 16 - 20/7/1948, "đánh dấu một bước tiến quan trọng của phong trào văn hóa nước ta” (nhận định được ghi lại trong cuốn “Biên niên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam). Theo đó, với đường lối văn hóa “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc giành được nhiều thành tựu nhằm xây dựng một nền văn hoá mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam: Đó là nền văn hóa dân chủ Nhân dân.

Do điều kiện chiến tranh, hình thức hội nghị văn hóa toàn quốc không còn được tổ chức nhưng quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa tiếp tục xây dựng, bổ sung, phát huy trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Năm 1998, Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Lần đầu tiên Đảng khẳng định “Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”. Quan điểm này là định hướng cơ bản cho phát triển bền vững đất nước, nếu không sẽ có những lệch lạc về tư tưởng, khủng hoảng xã hội.

Năm 2014, công nghiệp văn hóa được chính thức đề cập trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Đây là bước tiến mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Với quan điểm mới này, giá trị, bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, mà còn củng cố “sức mạnh mềm” giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia.

Gần đây nhất, các văn kiện của Đảng tại Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh vai trò của “sức mạnh mềm”. Qua hàng ngàn năm lịch sử, lòng yêu nước, yêu hòa bình, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự cường và khát vọng cống hiến đã dìu dắt cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, đưa đất nước vượt qua bao gian nan, thử thách và tiếp tục tạo thành “căn cước văn hóa” của quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

Khơi dậy sức mạnh nội sinh

Sau đúng 75 năm kể từ ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, hôm nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, giới văn nghệ sĩ và Nhân dân mong đợi sự kiện này sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Vì thế, hội nghị sẽ trở thành một động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc Phùng Xuân Nhạ: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại Đại hội XIII của Đảng, khát vọng và tầm nhìn của Đảng và Nhân dân Việt Nam trong thời đại mới đã được xác định rõ với mục tiêu cụ thể, đồng thời chỉ rõ việc “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định rõ: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cùng đó, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, lần đầu tiên Đảng ta đã nêu yêu cầu trong nghị quyết Đại hội XIII, đó là "từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”.

“Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” – Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc và con người Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế, việc phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa sẽ là nguồn lực nội sinh tiếp thêm sức mạnh cho khát vọng chuyển mình của dân tộc ta. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ hiện thực hóa các khát vọng ấy.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây, Đảng ta đã tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và Nhân dân để khơi dậy khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Pháp là tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; trong kháng chiến chống Mỹ là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Tinh thần đó, khát vọng đó đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành được những chiến thắng mang tầm thời đại. Trải qua 35 năm của công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành công, chúng ta thấy rằng trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế phải tháo gỡ. Một lần nữa, chúng ta cần phải chấn chỉnh lại đội ngũ, khắc phục những yếu kém để tiến lên phía trước”.

PGS.TS Phạm Duy Đức - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần