Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Văn hóa toàn quốc và những thông điệp quan trọng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/11, Ban Bí thư T.Ư Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, TP và một số bộ, ngành. Nhiều người kỳ vọng, thông qua hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, yêu cầu cũng như nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam, khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Diễn ra vào thời điểm quan trọng

Năm 2021, đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm mà Nghị quyết Đảng đã xác định. Ngoài ý nghĩa là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng, tình hình trong nước và thế giới có những thuận lợi và thách thức đan xen. Đơn cử, đất nước đang phải đối mặt với dịch Covid-19, từ tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã gây ra cho đất nước chúng ta nhiều thiệt hại rất lớn, trong đó có ngành VHTT&DL.
 Trống hội tại Hoàng Thành - Thăng Long (Ảnh chụp trước dịch Covid-19). Ảnh: Văn Phúc
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự đồng lòng, đồng sức của Nhân dân, đến thời điểm này, đất nước đã từng bước kiểm soát đẩy lùi dịch bệnh, bước vào trạng thái bình thường mới theo hướng thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: Năm 2021, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Chính vì vậy, tổ chức hội nghị lần này có mục tiêu quan trọng xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Đây là một trong những nhiệm vụ của tất cả các tổ chức Đảng dưới sự điều hành lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Vì vậy, hội nghị này được diễn ra vào thời điểm quan trọng. Theo ông Hùng, hội nghị này có tính chất lịch sử.

Trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc là dẫn luận, hệ thống lại quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa dựa trên đường lối của Đảng, đặc biệt tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề văn hóa, tư tưởng của Hồ Chí Minh được xác định là kim chỉ nam cho hành động.

Hội nghị cũng nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa đã đạt được những thành tựu, khó khăn gì, rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để từ đó có được nhận thức đúng đắn, từ đó có hành động đẹp. Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: “Từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm, đường lối của Đảng, nhìn lại thực tiễn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, ở góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì. Trên một trục xuyên suốt đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam, khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước của chúng ta hùng cường. Đó là yêu cầu cũng như nội dung của hội nghị”.

Tăng cường hội nhập, giao lưu văn hóa

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: “Chiến lược văn hóa trong những năm tới của Bộ VHTT&DL là cố gắng tìm kiếm, tháo gỡ những vấn đề khó khăn để đưa chiến lược vào hoạt động”.

Đầu tiên là nâng cao nhận thức một cách đầy đủ nhất về các quan điểm của Đảng để tuyên truyền, xây dựng, phát triển văn hóa. Thứ hai, thay vì làm văn hóa sẽ chuyển sang Quản lý Nhà nước về văn hóa bằng việc hoàn thiện về thể chế, chính sách và công cụ. Thứ ba là xây dựng môi trường văn hóa để tạo ra động lực phát triển cho đất nước, vừa toàn thiện nhưng phải có điểm nhấn. Thứ tư là nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả của văn hóa.

Điểm tiếp theo là tôn tạo những di sản văn hóa Việt Nam. Đó là những báu vật quốc gia, do thiên nhiên đã kiến tạo. Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa vùng miền có tính đặc trưng, hun đúc truyền thống ngàn năm của dân tộc phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Lâu nay một biểu hiện trong nhận thức, đó là văn hóa chỉ là văn nghệ hay văn hóa là nghệ thuật. Điều này đúng nhưng không đủ. Vì vậy phải tập trung cho các nhóm ngành văn hóa. Tất nhiên lĩnh vực này chưa đạt được những yêu cầu cho chiến lược đặt ra là sắp tới khi triển khai phải đạt 7% GDP. Nhìn ra các quốc gia, họ đang phát triển văn hóa, Hàn Quốc, Nhật Bản là những điển hình và chúng ta cũng có điều kiện để làm”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh, chúng ta phải hội nhập, tăng cường giao lưu; quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Đó là các tuần văn hóa, ngày văn hóa nhưng lần này trong quan điểm hội nhập, chúng tôi nhấn mạnh nhiều hơn những kiều bào Việt Nam. Đồng thời, cũng phải biết tiếp thu, chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại. Quan điểm của Đảng nói rất rõ là xây dựng con người sáng tạo, đủ kỹ năng để hội nhập quốc tế và hội nhập nhưng không hòa tan.

Một điểm tiếp theo là tạo nguồn nhân lực. Bởi, để làm văn hóa phải có đội ngũ, bao gồm người quản lý văn hóa, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… Xét lại đội ngũ cơ cấu thì chúng ta chưa hoàn thiện, tất nhiên không chỉ văn hóa mà tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực xây dựng, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung thực hành tốt công việc, trong đó có yêu cầu với cán bộ giảng dạy trên tinh thần tự soi, tự xử và trên tinh thần đi đầu, thực hiện chủ trương nêu gương của Đảng và Nhà nước.

Sau hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay: Chúng ta phải thực hiện triển khai giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết của Đảng đề ra, đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước và sáng tạo. Nhưng không thể xây dựng con người theo hướng chỉ có một số giải pháp đặt con người trong tổng thể vừa là nhân vật trung tâm, vừa là chủ thể xây dựng văn hóa và ngược lại. Văn hóa hình thành nên những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, con người giữ được những bản sắc văn hóa. Đó chính là những điểm chúng ta đang kỳ vọng ở Hội nghị này.

"Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Chính vì thế, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa là hết sức cần thiết.
Sau hội nghị này, chắc chắn các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cũng như các ý kiến tâm huyết sẽ thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội." - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV - Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn

"Di sản văn hóa là một loại tài nguyên. Khác với tài nguyên vật chất, càng khai thác càng mất đi, di sản văn hóa càng khai thác càng dầy dặn, phồn vinh, góp phần trách nhiệm xây dựng một thế giới đa dạng bản sắc văn hóa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ