Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị quan trọng tại Nghệ An

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/10, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị Tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia và Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022...

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Hội Nhà báo Nghệ An, Hội Nhà báo các tỉnh, thành thuộc miền Trung - Tây Nguyên và đông đảo phóng viên, nhà báo đến từ các Văn phòng đại diện tại Nghệ An và khu vực. Trước khi diễn ra hội nghị, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các tỉnh, thành và khách mời đã tham gia ủng hộ, hỗ trợ cho bà con bị ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt vừa xảy ra ở Nghệ An. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nêu rằng: Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo "Nói về Hội Nhà báo, đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt Nhân dân, phục vụ tốt cách mạng". Theo lời dạy của Người, trong những năm qua, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức hội trong nền báo chí cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam luôn coi việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Với 25.000 hội viên đang sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ càng được các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương coi trọng. Nhờ đẩy mạnh các phong trào nghiệp vụ, nâng cao trình độ tác nghiệp cho hội viên, các cấp Hội Nhà báo đã phát huy tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp hoạt động hiệu quả; là “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ bổ ích và thiết thực cho các hội viên – nhà báo, là nơi động viên đội ngũ những người làm báo giữ vững bản lính chính trị, phát huy tinh thần cống hiến, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày 1/6/1999, Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 583/QĐ-TTg dành khoản kinh phí 10 tỷ đồng/năm, tài trợ trong 2 năm 1999-2000 để thực hiện một số mục tiêu hỗ trợ hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí.

Ngày 25/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án đã hoàn thành trọn vẹn, đạt được nhiều kết quả tích cực. Và tiếp nối những thành công đó, ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025”.

Toàn cảnh hội nghị sáng 5/10.
Toàn cảnh hội nghị sáng 5/10.

“Hôm nay, tại Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; Triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023 - 2024 đối với 19 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023 - 2024.” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Thông qua hội nghị, các đại biểu tham dự đã có nhiều tham luận và đóng góp ý kiến, làm rõ một số vấn đề như: Tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải.; Về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; Đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; Việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.; Các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính – kế toán.

Đại biểu Trần Cao Tánh- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tham luận. 
Đại biểu Trần Cao Tánh- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tham luận. 

Trong khuôn khổ chương trình hoạt động và làm việc tại Nghệ An, dịp này Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị quan trọng bao gồm: Hội nghị sơ kết thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. Tổng kết công tác quản lý Hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương. Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; Hội nghị báo chí với công tác bảo vệ nền tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số; Hội nghị tổng kết 6 năm Luật báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

 

Đến nay, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí in, hơn 40.000 người công tác trong ngành báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tới gần 25.000 người.