Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU được coi là những hiệp định chất lượng cao, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là vận hội mới của Việt Nam, song thời gian dành cho Việt Nam không quá nhiều.
Có TPP đừng quên đối tác khác
Tại diễn đàn chính sách thương mại "TPP và FTA Việt Nam-EU: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam" tổ chức ngày 22-1, tại Hà Nội, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam "bắt tay" với thế giới trong bối cảnh gắn với cải cách nhiều như hiện nay. Do vậy, chúng ta đều hy vọng ban lãnh đạo của Việt Nam không chỉ tiếp tục cải cách mà phải cải cách mạnh mẽ hơn.
Ông Thành cũng cho rằng thời gian dành cho Việt Nam không quá nhiều. Giả định 5-7 năm tới, Thái Lan, Indonesia, Philippines… có thể tham gia TPP, nếu 5-7 năm nữa EU quay lại đàm phán hiệp định với ASEAN thì lợi thế của Việt Nam với 2 hiệp định nói trên không còn nhiều. Vậy nên đây chính là thời khắc quyết định.
TPP được coi là hiệp định chất lượng cao nhất cho đến thời điểm này nhưng Việt Nam có một nghịch lý là chưa được Hoa Kỳ, EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Việt Nam có 11 đối tác trong TPP, trong đó có không ít đối tác toàn diện, đối tác chiến lược hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, TPP chỉ là 1 trong 15 hiệp định mà Việt Nam đã ký.
Tuy TPP là hiệp định vô cùng lớn với mức tiêu thụ dồi dào, sức mua lớn nhưng ông Thành khuyên rằng, đừng quên EU, Đông Á hay các quốc gia khác như Nga, Hàn Quốc... Nghĩ đến TPP cũng phải nghĩ đến "người chơi" khác để đánh giá rủi ro, cơ hội, quan trọng nhất là luật chơi. Với các hiệp định chất lượng cao như TPP, FTA Việt Nam-EU, có 4 khía cạnh cần phải lưu ý là tự do hóa, đáp ứng yêu cầu cao của TPP cũng như FTA Việt Nam-EU, vấn đề cải cách và sự giám sát chặt chẽ hơn việc thực thi của các nước tham gia.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, TPP và FTA Việt Nam-EU sẽ tạo ra những cơ hội lớn và sức ép để Việt Nam cải cách, phát triển, nhưng tận dụng được hay không tùy thuộc vào chính Việt Nam.
“Ở trong nước, cơ hội và sức ép cho thay đổi cũng rất lớn. Đường hướng cho thay đổi như thế nào đã khá rõ và sự đồng thuận ủng hộ thay đổi rất cao. Thời gian không chờ đợi ai, cơ hội sẽ sớm trôi qua trong một thế giới thay đổi liên tục và nhanh chóng. Phải hành động ngay”, bà Lan nhận định.
3 lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cơ hội của TPP dành cho doanh nghiệp rất nhiều, ngành nào có lợi thế xuất khẩu chắc chắn có cơ hội như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… nhưng vẫn chưa đủ. Trong nghiên cứu của mình, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh đến thị trường tiêu dùng, tầng lớp trung lưu, người giàu nhiều nên các ngành dịch vụ như bán lẻ, phân phối, giải trí, du lịch… Một ngành khác là logistics sẽ có cơ hội nhất triển bởi đặc điểm của thương mại đầu tư là dịch chuyển.
Theo đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ có có thể tham gia tất cả các lĩnh vực này nhưng cần nhớ 3 điều. Thứ nhất, cần chú ý đến những ngành Việt Nam có lợi thế; Thứ hai, kết nối với các doanh nghiệp lớn bởi những doanh nghiệp này không thể làm được hết mọi khâu, công đoạn. Sự liên kết không chỉ giúp doanh nghiệp làm ăn, dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ mà quan trọng là học hỏi vươn lên; Thứ ba, có một lĩnh vực rất hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang nổi lên trên toàn cầu, gắn với nhu cầu mới, cách sống mới được đình hình rõ ràng trên toàn cầu, mang tính cá thể cao, đó là ngành gắn với IT là sản phẩm dịch vụ thông minh. Ngoài ra còn có ngành rất phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ là ngành biểu tượng bởi ngành nào, sản phẩm nào cũng cần đến biểu tượng.
Dù đã ước lượng được những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt cần tự tin hơn trong hội nhập. “Ví dụ như việc “chơi” với Mỹ thông qua Hiệp định BTA, chúng ta đã lo ngại và trì hoãn sau 1 năm mới ký hiệp định. Nhưng chỉ sau 14 năm, không có sự kỳ diệu nào bằng việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng lên 30 lần, trong đó có đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Thành dẫn chứng. Vì vậy, vấn đề quan trọng vẫn là sự tự tin.