Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp tự đổi mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn DN Việt Nam 2015 vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân rất cần những chính sách phù hợp cũng như bản thân sự nỗ lực vươn lên của chính các DN.

Công nhân vận hành máy tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Dệt Kim Phú Vĩnh Hưng (Khu Công nghiệp An Khánh). Ảnh: Nguyên Dương
Công nhân vận hành máy tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Dệt Kim Phú Vĩnh Hưng (Khu Công nghiệp An Khánh). Ảnh: Nguyên Dương
Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cơ bản hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và một số đối tác thương mại quan trọng khác, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Cơ hội mở ra, nhưng gánh nặng của hội nhập cũng đè lên vai cả các cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN.

Nhiều nhưng chưa mạnh

Trước tình hình đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục đà tăng trưởng trong năm 2015, nhất là bước đầu triển khai thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư sửa đổi, Nghị quyết 19-CP/2014/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có hiệu quả. Đó là những đột phá quan trọng và được cộng đồng DN ghi nhận. Tuy nhiên, sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa để giúp DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), khu vực kinh tế tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập.
Hiện Việt Nam có tới 96% số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, DN cỡ vừa chỉ chiếm 2% và 2% còn lại là DN lớn.

Đánh giá về kiến nghị của DN trong nước cũng như các hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam bên lề Diễn đàn DN Việt Nam 2015, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các khuyến nghị của DN không dừng lại về thông điệp, lý thuyết mà xuất phát từ hơi thở thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, các kiến nghị đi vào hướng sửa đổi, điều chỉnh những văn bản quy phạm pháp luật, từ thông tư đến nghị định, phần lớn là thiết thực, cần được ghi nhận và giải quyết một cách hợp lý.

Theo ông Lộc, các giải pháp để nâng cao cạnh tranh của DN khi Việt Nam gia nhập TPP, cần hiểu vấn đề cốt lõi là không chỉ nói đến nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của khối DN Nhà nước, mà vấn đề quan trọng có tính chất quyết định đối với nền kinh tế làm thế nào để có thể nâng cao năng lực cạnh trạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Bởi, khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước đủ lớn mạnh, trở thành đối tác của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ khai thác được những lợi thế của các FTA, và đó là vấn đề then chốt trong quá trình hội nhập.

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã có đội ngũ DN trong nước phát triển mạnh và đông đảo, nhưng so với yêu cầu hội nhập vẫn còn những hạn chế. “Làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh, có thể hội nhập, đó là thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập” - ông Lộc chia sẻ.

Kết nối cho doanh nghiệp tư nhân

Mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam là tích cực, nhưng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực - khu vực tư nhân trong nước. Theo ông Lộc, nói DN tư nhân trong nước đơn độc vì thứ nhất, DNNVV hiện vẫn đang vận động bằng chính nội lực của bản thân, các chính sách hỗ trợ cho các DNNVV chưa đúng mức, xứng tầm. Một phần do nguồn lực dành cho các mô hình hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả và các mô hình hỗ trợ cũng chưa đạt yêu cầu, chưa khuyến khích được khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn. Ở khía cạnh thứ hai, các DN FDI vào Việt Nam nhưng họ vẫn tồn tại như "ốc đảo" trong nền kinh tế đất nước, các DNNVV chưa là đối tác chiến lược địa phương, không tham gia vào các chuỗi giá trị của họ. Việt Nam xuất khẩu rất nhiều nhưng 70% là của các DN FDI; các linh kiện, phụ tùng được các FDI chủ yếu nhập khẩu, chiếm đến 90% đầu vào, không phải từ nguồn cung do các DN trong nước sản xuất… Điều này cho thấy, khu vực DNNVV trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp của Việt Nam được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập sâu, yêu cầu hội nhập về thể chế.