Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, Đổi mới, Thiết thực và Hiệu quả

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, ngày 4/12 tại Hà Nội, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, Đổi mới, Thiết thực và Hiệu quả” đã diễn ra.

 Toàn cảnh Diễn đàn.
Sự kiện do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT), phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Đại sứ Quán Úc tại Việt Nam tổ chức.
Tại Diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận ba nhóm nội dung chính. Thứ nhất, Việt Nam trước những sự kiện nổi bật và xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, đề xuất quan điểm chính sách phù hợp để ứng phó với diễn biến mới của tình hình hội nhập thế giới và khu vực; Thứ hai, vấn đề thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường; Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
Trong đó, về khuynh hướng thương mại toàn cầu, Tiến sĩ Deepak Mishra - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới cho rằng, có thể những thành quả của hội nhập thương mại đã không được chia sẻ một các đồng đều trên toàn cầu, một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia. Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó, Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Đồng ý với nhận định này, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, ĐH Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng bổ sung, sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ còn do các thiết chế quản trị thương mại toàn cầu được thiết lập từ sau Thế chiến thứ Hai xuất hiện nhưng lỗ hổng không còn đáp ứng được thực tiễn toàn cầu hóa và cần được điều chỉnh và hoàn thiện.
 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại Diễn đàn. 

Bàn về tác động của sự căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đối với Việt Nam, Tiến sĩ Sudhir Shetty - Kinh tế gia Trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho rằng: Căng thẳng thương mại có thể tạo cơ hội chuyển hướng thương mại cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại và tình trạng bất định gia tăng là tác động ở mức lớn hơn so với lợi ích có được do chuyển hướng thương mại.
Ông Shetty gợi ý một số lựa chọn theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới: Một là, Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế. Hai là, cần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, và củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước. Hơn nữa, Việt Nam cần cải cách sâu rộng thương mại và đầu tư, bao gồm đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan gây méo mó thương mại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực (và toàn cầu), tăng cường cam kết ủng hộ cải cách hệ thống quản trị thương mại toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định, dù hiện tại có một số nhân tố đang ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hội nhập đa phương và khu vực song Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ những xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực. Cần coi đây là vấn đề mang tính khách quan để có cách ứng phó chủ động và linh hoạt.
“Việt Nam cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực. Từ đó đưa những phương án xử lý hợp lý, phù hợp với tình hình trong nước nói riêng và cục diện kinh tế thế giới nói chung”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Với quan điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới cần đảm bảo 4 yếu tố: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 là Diễn đàn thường niên về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được tổ chức lần thứ hai do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì, nhằm mục tiêu tạo lập cầu nối chia sẻ thông tin và thảo luận các khuyến nghị chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần