Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Hà Nội và Hội Nông dân các tỉnh, thành đã triển khai được 5 năm. Đây là một chương trình ý nghĩa và thiết thực. Thông qua chương trình, Hội Nông dân Hà Nội phối hợp với các sở, ngành của TP thực hiện công tác hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho TP. Xây dựng và phát triển được 727 chuỗi.
Riêng TP Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia thường xuyên phối hợp trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, tham quan các mô hình chuỗi kết nối các DN tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản với các tỉnh, thành.
Qua đó, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành được triển khai góp phần mở ra cơ hội hợp tác, giao thương giữa Thủ đô và các địa phương. Mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn của địa phương.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP Hà Nội còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kinh nghiệm tổ chức phong trào nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, trong năm 2020, Hội Nông dân Hà Nội tiếp tục ký kết hợp tác với Hội Nông dân của 23 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó tập trung vào các nội dung như trao đổi thông tin trong sản xuất, vận chuyển lưu thông và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; chia sẻ về công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của các tỉnh, TP.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, kinh tế tập thể và trang trại, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ. Mặt khác, Hội Nông dân các tỉnh sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, công tác ứng dụng công nghệ cao và sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để phát triển bền vững, đề án tái cơ cấu nông nghiệp... từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.