Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Nông dân Thường Tín đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Những năm qua, cùng với thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng bộ và Nhân dân huyện Thường Tín, phong trào Hội nông dân huyện đã có những bước phát triển, khẳng định vai trò định hướng giúp ổn định đời sống Nhân dân địa phương.

Khai trương điểm kết nối giới thiệu trưng bày và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín
Khai trương điểm kết nối giới thiệu trưng bày và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín

Không ngừng đổi mới

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, những năm qua với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân huyện Thường Tín đã không ngừng nỗ lực, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Với tổng số 33.198 hội viên tham gia sinh hoạt tại 29 cơ sở hội xã, thị trấn, 157 chi hội thôn, cụm dân cư và 245 tổ hội trên địa bàn. Các cấp hội nông dân trong huyện đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từ đó đã thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Trong đó, Hội nông dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, được nâng cao về chất lượng, bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân.

Mô hình trồng khoai tây cho thu nhập cao của hội nông dân xã Hà Hồi, huyện Thường Tín
Mô hình trồng khoai tây cho thu nhập cao của hội nông dân xã Hà Hồi, huyện Thường Tín

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín Bạch Văn Huân chia sẻ: Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 3 phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Hàng năm đã có trên 65% hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", qua bình xét cuối năm có từ 60 đến 61% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuát giỏi, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGap, hữu cơ.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế

Hiện nay trên toàn huyện có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch của 17 tổ chức, cá nhân như: nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Nghiêm Xuyên; sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Sở, Thư Phú, Hòa Bình,…

 Phiên chợ điện tử giới thiệu sản phẩm xã Tiền Phong, huyện Thường Tín
 Phiên chợ điện tử giới thiệu sản phẩm xã Tiền Phong, huyện Thường Tín

Bên cạnh đó còn có mô hình nông nghiệp giáo dục trải nghiệm xã Hồng Vân. Các mô hình hiện nay quy mô không lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích đất bỏ hoang, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Để đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cán bộ, hội viên nông dân đã xây dựng và phát triển 12 mô hình liên kết chuỗi (trong đó 7 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi, 5 chuỗi liên kết giết mổ) tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Thống Nhất...luôn sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phục vụ Nhân dân.

Các chuỗi liên kết đã góp phần rất lớn trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân vùng sản xuất rau. Ngoài ra, các cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia các điểm kết nối giới thiệu trưng bày và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín Bạch Văn Huân cho biết, không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hội viên còn tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và công tác xã hội. Rất nhiều nông dân khi làm ăn phát đạt có điều kiện kinh tế không những tạo việc làm cho các nông dân khác mà còn tham gia các hoạt động từ thiện.

Giải ngân giúp hội viên nông dân huyện Thường Tín vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế
Giải ngân giúp hội viên nông dân huyện Thường Tín vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế

Để tạo điều kiện giúp nông dân có nguồn lực phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho nông dân vay vốn. Thông qua vốn vay từ ngân hàng tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập.

Tính đến nay tổng dư nợ từ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội là hơn 174 tỷ đồng với 81 tổ cho 3.248 hộ hội viên nông dân vay vốn, vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là gần 37 tỷ  đồng với 32 tổ và 280 hộ hội viên nông dân đã tham gia vay vốn trong thời gian qua để phát triển kinh tế, sản xuất.

Tiếp tục đồng hành cùng hội viên, thời gian tới, Hội sẽ chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh nâng cao chất lượng các phong trào nông dân. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của người nông dân trong tình hình mới.