Hồi sinh “dòng kênh chết”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 4 vừa qua, TP Hồ Chí Minh chính thức khánh thành thành phần số 4 "Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm" thuộc tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, sau 3 năm triển khai thi công, "dòng kênh chết" Tân Hóa - Lò Gốm đã được hồi sinh, góp phần nâng cao đời sống của hơn một triệu dân tại TP Hồ Chí Minh.

Tiểu Dự án xanh và quyết tâm của thành phố

Được coi là một trong những "con kênh chết" của TP Hồ Chí Minh, hàng ngày kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã oằn mình gánh chịu rác thải của hàng trăm ngàn hộ dân sống hai bên và hàng chục ngàn DN, cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra kênh, bùn đất cũng theo những trận mưa lớn đổ xuống làm nghẽn dòng chảy. Cũng từ những năm cuối thập kỷ 90, mùi hôi thối, màu nước đen và nỗi ám ảnh mùa mưa nước không thể thoát đã làm ngập cả khu vực dòng kênh chẩy qua, khiến cuộc sống người dân chịu bao khổ cực.

Trước tình hình trên, ngày 11/6/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 752/2001/QĐ -TTg, phê duyệt quy hoạch tổng thể thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020. Trong đó, Tân Hóa - Lò Gốm được xác định là một trong 3 lưu vực ưu tiên đầu tư, nâng cấp để giải quyết vấn đề ngập lụt của trung tâm TP.
Công trình cải tạo kênh Tân Hòa - Lò Gốm đã có diện mạo mới.
Công trình cải tạo kênh Tân Hòa - Lò Gốm đã có diện mạo mới.
Ngày 9/7/2003, Chính phủ chấp thuận chủ trương, mục tiêu và danh mục dự án đầu tư nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh, theo đó hạng mục kênh Tân Hóa - Lò Gốm được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn của cơ quan phát triển pháp AFD. Ngày 10/10/2003, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án đầu tư dự án thành phần số 4 là cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Tuy nhiên do lãi xuất và mức vay của cơ quan phát triển Pháp AFD không phù hợp với năng lực thực hiện, khả năng bảo quản vốn đối ứng và trả nợ của TP nên dự án phải tạm ngừng triển khai thực hiện, dòng kênh vẫn tiếp tục "chết" và người dân vẫn tiếp tục chịu khổ.

6 năm sau, ngày 10/9/2009, WB một chương trình cải thiện về cơ sở hạ tầng cấp 1 quyết định bổ sung 128,8 triệu USD để triển khai đầu tư phát triển dự án thành phần số 4, cải tạo kênh và dọc đường kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhằm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng cấp 3 và cấp 2 thông qua Hiệp định Cr-4604 - VN.

Theo hồ sơ thiết kế ban đầu, phạm vi dự án dự kiến triển khai trên địa bàn quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú với tổng chiều dài 7,5km. Từ đó, TP bắt tay vào việc triển khai GPMB, thiết kế kỹ thuật trạm bơm, giếng tách dòng, cống bao thu gom nước thải. Công trình bắt đầu thi công vào tháng 12/2011 và sơ bộ hoàn thành tháng 12/2014.

15 gói thầu xây lắp được phân chia trên toàn lý trình của tuyến kênh. Trong đó, hợp phần xây cống hộp và đường đi trên lưng cống hộp có chiều dài 2.501m gồm 3 gói thầu; hợp phần kênh mở có 11 gói thầu xây dựng và 1 gói thầu nạo vét kênh với tổng chiều dài 4.300m. Trong quá trình thực hiện, công trình đã sử dụng 9.970 tấn thép, 752,825m2 đất đã đắp, 127.215m3 bê tông, có 365.294m cọc xi măng đất được thi công để gia cố, xử lý nền đất yếu trước khi triển khai thi công các hạng mục chính của công trình và tổng số 332 can bộ kỹ sư cùng 1000 công nhân thi công liên tục trong thời gian 3 năm.

Hàng triệu người dân được hưởng lợi 
Dự án là một điển hình xuất sắc cấp quốc tế về công tác nâng cấp đô thị, ngoài ra công trình còn được thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục chỉ bằng 1/3 thời gian cải tạo kênh Nhiêu Lộc  - Thị Nghè.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Hơn 10 năm thực hiện dự án, 10 năm Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị phải ròng rã GPMB, tìm kiếm và xây dựng khu tái định cư cho người dân sống dọc hai bờ kênh. Theo ông Lê Thanh Liêm - Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị cho biết, dọc theo kênh có hơn 470.000 người dân và 15.000 DN, cơ sở gia công nhỏ và vừa, trong đó có 817 trường hợp gia đình phải di dời, buộc phải có 225 hộ dân nhận quỹ nhà tái định cư, và 596 trường hợp tự lo nơi ở mới.

Công trình hoàn thành đã đạt được mục tiêu cho hàng triệu người dân tại TP Hồ Chí Minh, trong đó khoảng 1,2 triệu người được hưởng lợi trực tiếp từ kết quả đầu tư công trình. Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo đô thị thông qua các yếu tố cơ bản như giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân, cải thiện sức khỏe và môi trường sống của người dân hai bên bờ kênh, thay thế hoàn toàn cảnh quan đô thị khu vực, nâng cao chất lượng điều kiện sống cho người dân với việc có 254.603 người dân trong khu vực dự án được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sạch sẽ, thông thoáng, đáp ứng cho 57.562 học sinh trên địa bàn quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân được học các trường khang trang sạch sẽ.

Dự án hoàn thành đã có thêm 11 cây cầu băng qua dòng kênh, 11.815m đường giao thông được thực hiện kết nối các tuyến đường huyết mạch của cửa ngõ phía Tây TP. 4 khu cảnh quan tổng diện tích 14.120m2 được bố trí dọc hai bên kênh nhằm tạo không gian vui trơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Dự án đã giúp 1/3 số lượng phương tiện, dân cư từ cửa ngõ phía Tây - Nam lưu thông vào khu vực trung tâm TP, đặc biệt khu thương mại Chợ Lớn quận 5, 6, 11 và khu vực sân bay hướng quận Tân Bình, Tân Phú. Dự án đã đóng góp vào quy trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP thông qua các kết quả đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.

Bà Nguyễn Thị Sáng, một người dân trước kia có nhà tại phường 14, quận 6, nơi dòng kênh chảy qua, khi dự án thành lập, gia đình bà được về ở tại chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cho biết, trước kia, gia đình bà sợ nhất mùa mưa vì mùi hôi thối, rác trôi từ dòng kênh dềnh lên, ruồi muỗi… đã ám ảnh gia đình mấy chục năm, con cái lúc nào cũng bệnh tật. Nhưng khi dự án được triển khai, gia đình bà về nơi ở mới khang trang sạch sẽ, con cháu được học hành tại địa điểm có đủ tiêu chuẩn sống tốt nhất từ trước tới giờ của gia đình. "Giờ về thăm lại nơi mình đã từng sống mà không nhận ra được bởi nó thành đã là công viên hoa, với những máy móc tập thể dục cho người dân và dòng kênh không còn mùi hôi thối…" - bà Sáng nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, dự án khánh thành là một trong những thành quả lớn giúp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện cảnh quan môi trường của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần