70 năm giải phóng Thủ đô

Hồi sinh sau bão

Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn bão số 3 đi qua đã để lại hậu quả thiệt hại nặng nề trên nhiều địa phương miền Bắc. Hà Nội cũng vậy. Sự cuồng nộ của thiên nhiên đã khiến các con phố ngổn ngang cây đổ, bật gốc, gãy cành.

Hồi sinh sau bão - Ảnh 1

Hà Nội trong ký ức của nhiều thế hệ là những con đường rợp mát bóng cây. Vậy mà, cơn bão Yagi quét qua đã khiến nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi gắn với địa danh lịch sử thành phố trên các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo... bị bật gốc, gãy đổ. Cây sưa “huyền thoại” gần trụ sở Bộ Ngoại giao, phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình cũng bị gió quật ngã. Đặc biệt, nhiều người tiếc nuối khi cây đa Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng năm 1960 tại công viên Thống nhất bị gãy ngang thân. Đại điện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, công ty sẽ đưa ra phương án tối ưu để hồi sinh cho cây.

Ngày đầu tiên xuống phố sau cơn bão, tôi và nhiều người thực sự đau lòng khi chứng kiến những hàng cây quen thuộc xơ xác lá, bật gốc, gãy ngang thân... Ngay sau đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức Lễ phát động ra quân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3, kêu gọi các cơ quan, đơn vị và người dân cùng tham gia dọn dẹp, thu dọn cây gãy đổ, khơi thông cống, rãnh, kênh mương, thu gom rác thải, phun khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

Hồi sinh sau bão - Ảnh 2

Nơi tôi sinh sống, trong những ngày mưa bão, tình hình điện, nước, thiên tai được cập nhật thường xuyên trên hệ thống zalo của địa bàn số 10, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Sau bão, bác Bí thư chi bộ và bác Tổ trưởng dân phố đã đưa ra thông báo, đề nghị Nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường nơi sinh sống.

Mấy ngày cuối tuần, Nhân dân nơi tôi cư trú đã cùng nhau dọn dẹp cành cây gãy đổ, thu dọn rác thải. Dù dụng cụ phòng hộ còn thiếu, nhưng mọi người đều khắc phục, sáng tạo trong công việc nên địa bàn đã được trở lại phong quang, sạch sẽ như trước bão. Đặc biệt, các cô bác trong Hội phụ nữ rất tích cực, không quản ngại vất vả, quét dọn, xử lý rác thải ở tất cả các điểm tồn đọng. Được biết, Hội phụ nữ tại địa bàn số 10 duy trì lịch vệ sinh ngõ xóm, đường phố vào thứ Bảy hàng tuần. Các bà, các cô, bác luôn là tấm gương để con cháu noi theo về tinh thần giữ gìn môi trường tại địa bàn.

Những ngày sau bão, người dân Hà Nội cảm thấy ấm lòng khi hàng chục người nước ngoài tập trung tại nhiều tuyến phố, vườn hoa trung tâm để cùng dọn dẹp cây đổ. Anh Johnny Harris, sinh sống tại Hà Nội 11 năm chia sẻ: “Cơn bão đi qua để lại quá nhiều tổn thương cho Hà Nội. Tôi sống và làm việc ở nơi này, nên muốn cùng các tình nguyện viên chung tay vực dậy thành phố sau bão lũ”.

Hồi sinh sau bão - Ảnh 3

Cơn bão đã khiến nước dâng cao khu vực ngoài đê sông Hồng và người dân phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã phải khẩn trương sơ tán, tránh nguy hiểm. Nước rút, người dân trở về, nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, cọ rửa đồ đạc. Không những thế, mọi người còn cùng nhau vệ sinh môi trường ngõ xóm, khu vực chung, trả lại sự bình yên, sạch đẹp cho khu dân cư.

Thiên tai, bão lũ là những điều chúng ta không mong muốn nhưng vẫn phải đón nhận. Nhưng, có đi qua những ngày mưa bão, ta thêm yêu “ngày bình thường” trong đời. Trải bao thăng trầm, tôi học được rằng, dù giông tố có lớn bao nhiêu, cũng sẽ phải kết thúc. Dù mùa đông lạnh lẽo có dài bao nhiêu, mùa Xuân ấm áp sẽ tới cùng với sự hồi sinh của vạn vật.

Hà Nội trải qua những ngày bão lũ đầy nghiệt ngã, với sự đồng lòng, hành động của hệ thống chính quyền và người dân, phố Hà thành sẽ hồi sinh với những con đường rợp bóng cây xanh. Trên phố, thấp thoáng đâu đó, tà áo dài trắng của các nữ sinh dịu dàng thướt tha trong gió. Gánh hàng rong lại xuất hiện với tiếng rao quen thuộc. Những chiếc xe hoa ăm ắp sắc màu chầm chậm trôi trên phố dưới nắng Thu óng ả. Vâng, Hà Nội đang hồi sinh!