Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi sinh tranh đỏ Kim Hoàng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được cho là đã thất truyền hơn 100 năm kể từ sau trận lũ lịch sử xảy ra tại Hà Nội năm 1915, thế nhưng đến nay, dòng tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) đang được hồi sinh mạnh mẽ, dưới bàn tay của một người phụ nữ.

Đó là nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.
Tìm về di sản đã mất
Theo sách Đồ họa cổ Việt Nam, dòng tranh dân gian Kim Hoàng được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII. Dân làng Kim Hoàng xưa chủ yếu là những người di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ, Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…, cũng như không thực sự thích ứng với nông dân cả về thẩm mỹ lẫn túi tiền, người làng Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới có sự kết hợp kỹ - mỹ thuật từ hai dòng tranh trên. Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế là hai dòng họ đi đầu trong việc làm tranh. Thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, nhưng bắt đầu thất truyền sau trận lụt năm 1915, khi làng mạc từ thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) đến khu vực quận Cầu Giấy bị ngập trắng. Nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh hoàn toàn không còn được sản xuất nữa. Hiện, chỉ còn vài mẫu tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Gà”, “Lợn” còn có bản in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
 Anh Đào Đình Trung đang phục hồi một bản khắc gỗ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tìm về làng Kim Hoàng - quê hương của dòng tranh dân gian từng nức tiếng một thời này, những gì còn sót lại chỉ là những hồi ức xưa cũ qua lời kể của những cụ cao niên. Ông Nguyễn Thế Nhuận, nguyên Trưởng ban quản lý di tích Đình Kim Hoàng, năm nay đã ngoài 92 tuổi giãi bày: Sau trận lũ năm 1915, nghệ nhân làm tranh làng Kim Hoàng ngày một thưa thớt. Cuộc sống khó khăn khiến thú chơi tranh của người dân dần mai một.
“Tranh của làng Kim Hoàng có thể sử dụng để thờ cúng, chúc tụng, gần giống với hai dòng tranh dân gian đã rất nổi tiếng là Đông Hồ và Hàng Trống. Nhưng tranh Kim Hoàng lại kế thừa được những ưu điểm của hai dòng tranh trên…” - ông Nhuận cho biết. Ưu điểm đó, theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa nằm ở khía cạnh tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, trong khi màu sắc lại tươi sáng hơn so với tranh Hàng Trống. Đề tài trong tranh Kim Hoàng cũng tương đồng như ở tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Đó là những hình ảnh khắc họa cuộc sống mộc mạc, đơn sơ quen thuộc của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng tranh Kim Hoàng còn có thêm đặc điểm mà hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống không có, đó là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo in ở góc của mỗi bức tranh. Đây là những nét độc đáo, đặc sắc giúp tạo nên giá trị riêng cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng.
Gian nan con đường phục dựng
Lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, người dân Thủ đô và cả nước được chiêm ngưỡng lại dòng tranh Kim Hoàng là tại “Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 8/2016. Trong số những dòng tranh đặc sắc khi đó, tranh Kim Hoàng gây ấn tượng mạnh bởi sự độc đáo, mới lạ. Sự đón nhận của công chúng được cụ thể hóa bằng việc tranh Kim Hoàng được nhiều người dân chọn mua khi giới thiệu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Nhưng để có được những bức vẽ đó, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các đồng sự đã phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Sau giai đoạn 1945, những chứng tích còn sót lại của dòng tranh Kim Hoàng tại xã Vân Canh gần như biến mất. Việc khôi phục những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng được thực hiện dựa trên một số hình ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và đặc biệt là trong cuốn sách Imagerie populaire Vietnamienne của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice DURAND, xuất bản năm 1960. Việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều sự kỳ công. Để có được những bản khắc tranh hiện có, nhóm nghiên cứu đã phải nhờ cậy trên 30 nghệ nhân đến từ các làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng từ Bắc chí Nam như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Thừa Thiên - Huế)… Hiện, dự án mới khôi phục được khoảng 20 mẫu tranh, và con số này chỉ chiếm khoảng 5% tổng số mẫu. Việc lựa chọn màu tranh cũng rất khó khăn. “Dùng màu tự nhiên pha chế có ưu điểm là càng để lâu thì màu càng trong, nhưng sau nhiều thử nghiệm đến nay, khi lên tranh, màu vẫn bị xỉn. Dùng màu khoáng tự nhiên thì tranh rực rỡ, nhưng không đúng “chất” dòng tranh dân gian và giá thành quá đắt. Do đó, màu làm tranh hiện tại mà nhóm đang sử dụng vẫn chỉ là màu lai tự nhiên…” - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho hay.
 Anh Đào Đình Trung đang phục hồi một bản khắc gỗ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Muốn phục dựng và phát triển được dòng tranh Kim Hoàng thì phải có nghệ nhân. Nhưng muốn nghệ nhân tâm huyết thì điều kiện đủ là họ phải sống được bằng nghề. Nếu như tranh Đông Hồ hiện chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiêm là người nặng lòng nhất, thì tranh Kim Hoàng hiện cũng chỉ có một người kế thừa duy nhất. Đó là anh Đào Đình Trung (sinh năm 1980), một người con của làng Kim Hoàng. Anh Trung là người được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa “phát lộ” có những phẩm chất phù hợp để có thể theo đuổi dòng tranh dân gian. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cũng là người đã dìu dắt, hướng dẫn, tạo điều kiện để anh Trung “tầm sư học đạo” một số nghệ nhân làm tranh và học chữ Hán. Ngày chúng tôi ghé thăm, anh Trung đang lau chùi mấy bản khắc gỗ, say sưa mài mực, pha trộn màu sắc để thử nghiệm gam màu mới cho những bức tranh Kim Hoàng. Anh Trung bảo: Những tháng cuối năm là giai đoạn bận rộn nhất. Rất nhiều bản khắc gỗ, nguyên vật liệu đang được tích cực chuẩn bị cho mùa tranh Tết sắp tới...
Gìn giữ một di sản
Một điều rất may mắn, theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, đó là dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” do chị và các đồng sự khởi xướng đón nhận sự ủng hộ rất nhiệt tình của người dân xã Vân Canh. Trung tâm phục dựng tranh Kim Hoàng hiện nay nằm trong khuôn viên Nhà truyền thống của xã Vân Canh. Chủ tịch UBND xã Vân Canh Nguyễn Bá Khánh cho biết, địa phương đã bố trí quỹ đất rộng chừng 1.500m2 để nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai dự án phục dựng tranh Kim Hoàng. Để bảo tồn và phát huy giá trị dòng tranh dân gian này, UBND huyện Hoài Đức cũng đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ kinh phí phục dựng. Mong muốn của người dân địa phương là TP có định hướng đầu tư, phát triển Kim Hoàng trở thành làng nghề gắn với du lịch.
Không chỉ nỗ lực phục dựng lại tranh Kim Hoàng, gần 10 năm qua, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa còn cất công, lặn lội khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam để tìm kiếm các dòng tranh dân gian quý. Đến nay, chị đã tập hợp được ít nhất 12 dòng tranh. Điển hình là tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình, tranh Thập Vật, Tranh Đồ thế Nam Bộ, tranh Kính Huế, tranh Gói Vải… Chị đang ấp ủ hy vọng trong năm 2018 sẽ xuất bản ấn phẩm về 25 dòng tranh dân gian, như một phương cách lưu giữ lại di sản văn hóa đặc sắc này.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhà sưu tập sinh năm 1977 này bày tỏ trăn trở: Nếu không có sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, chính sách hỗ trợ, cũng như sự chung tay của cộng đồng, có thể chỉ vài chục năm nữa thôi, các dòng tranh dân gian của Việt Nam sẽ biến mất hoàn toàn. Đó sẽ là một mất mát lớn, không chỉ đối với kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian đa dạng, giàu bản sắc của Việt Nam, mà những thế hệ tiếp nối sẽ mất đi một di sản quý giá, để tìm về.
Khác với tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp, tranh Hàng Trống sử dụng giấy dó, tranh Kim Hoàng được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Đây cũng là lý do dòng tranh Kim Hoàng còn được gọi là “tranh đỏ”. Ở tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, một bức tranh có nhiều bản khắc gỗ, mỗi bản khắc tương ứng với một màu và một bản in. Trong khi ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy, rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá từ màu sắc tự nhiên. Cũng bởi vậy mà tranh Kim Hoàng có sự phóng khoáng và nét độc đáo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc gỗ.