Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi sinh ý tưởng xưa

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc gặp cấp cao của 44 quốc gia châu Âu ở thủ đô Praha của Séc thành lập khuôn khổ diễn đàn Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) được coi là đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trên thực tế và trong thực chất, EPC là sự hồi sinh của Hội nghị châu Âu được 50 quốc gia châu Âu tiến hành hồi năm 2000 ở Nice (Pháp) nhưng rồi sau đó không được EU tiếp tục theo đuổi vì đi theo hướng mở rộng EU.

Ý tưởng từng bị chết yểu ấy bây giờ lại được 27 nước thành viên EU (trong ấy có 23 là thành viên NATO) cùng 17 quốc gia khác ở châu Âu sử dụng lại. Đương nhiên là Nga không được mời tham gia bởi một trong những mục tiêu chính của EU với việc thành lập EPC vào thời điểm hiện tại là cô lập Nga như có thể được ở châu Âu và trên thế giới về chính trị, đồng thời tranh thủ và lôi kéo các nước châu Âu ngoài EU và NATO vào cùng phe đối địch Nga và trừng phạt Nga.

Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cùng với sự đối kháng giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh đã làm cho hai thể chế toàn châu Âu tồn tại và hoạt động lâu nay là Hội đồng châu Âu, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) gần như hoàn toàn tê liệt trên thực tế.

EU muốn gây dựng khuôn khổ diễn đàn toàn châu lục mới không có sự tham gia của Nga để trao đổi về thực trạng hiện tại và tương lai chính trị cho châu lục cũng như về những cấu trúc và trật tự chính trị an ninh chung cho châu lục trong tương lai, thay thế cho các cấu trúc và trật tự chính trị an ninh chung lâu nay.

EU buộc phải tranh thủ các quốc gia khác trên châu lục, còn các nước này tận dụng cơ hội để cùng quyết định chứ không để cho EU tự quyết định tương lai chính trị an ninh của châu lục mà chuyện quan hệ với Nga chỉ là một khía cạnh.

Ý tưởng cũ giờ có được cơ hội để hồi sinh chính vì thế và sau khi sống lại trong bối cảnh tình hình hiện tại trên châu lục, nó chắc không bị đoản thọ như trước mà sẽ được phát triển và từng bước thể chế hóa.