Tại hội thảo, các chuyên gia Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam đã đưa ra ý kiến tham luận xoay quanh vai trò, vị trí của tỉnh Bình Dương trong bối cảnh phát triển vùng TP Hồ Chí Minh; quy hoạch sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai; phát triển kết nối bền vững và thành phố thông minh cho Bình Dương…
Từ đó các chuyên gia đề xuất chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương theo mô hình phát triển tập trung đa cực, cấu trúc đa trung tâm. Trong đó các cực phát triển kết nối vùng đô thị trung tâm dựa vào hệ thống giao thông gắn kết với TP Hồ Chí Minh. Tái cấu trúc các khu công nghiệp, hướng tới phát triển công nghệ cao gắn với việc tái đầu tư phát triển các khu đô thị chất lượng cao theo hướng đô thị thông minh; tập hợp và tăng mật độ các khu định cư phi chính thức, không cho phép phát triển mở rộng dàn trải…
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định, tỷ trọng công nghiệp chiếm 60% trong cơ cấu GRDP Bình Dương, nên phải hướng đến chuyển đổi và thu hút mới theo hướng tận dụng chất thải, năng lượng tái tạo, tạo ra lợi ích môi trường, lợi ích xã hội, lợi ích kinh tế.
Vì vậy, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài đã chỉ ra: "Thiết kế khu công nghiệp phải phù hợp với cộng đồng xã hội tạo sự hỗ trợ, tương tác cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi bảo vệ môi trường, xử lý tái chế chất thải, phát triển nền kinh tế tuần hoàn".
Cùng quan điểm trên, TS Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý nêu ý kiến, hệ sinh thái kiểu mới cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo… mà Bình Dương đang có thế mạnh, nên rất thuận lọi trong triển khai, thực hiện quy hoạch.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đã đóng góp ý kiến; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quy hoạch chiến lược tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia trong thời gian tới.