Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Hội thảo tham vấn lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP

Trung Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/11, tại TP Thanh Hóa, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về các nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tham dự hội thảo có đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Lai Châu, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện VCCI Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hóa, các văn phòng luật sư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), một số cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương trên địa bàn tỉnh.

TS Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL phát biểu khai mạc.
TS Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) chia sẻ, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đã đạt được một số kết quả tích cực.

Dù vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại những bất cập về quy định pháp luật và công tác tổ chức thực hiện. Các quy định liên quan đến xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật chưa thực sự sát với thực tiễn, bao gồm cả về thẩm quyền xây dựng, quản lý đội ngũ này và mức phí thù lao chưa tương xứng với đặc thù chuyên môn. Đặc biệt, công tác tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp đòi hỏi chuyên môn sâu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức.

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, về phối hợp, các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý vì chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Do vậy khi các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, có doanh nghiệp không tham dự hoặc cử người không đúng chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, khi được cơ quan nhà nước khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý để nắm bắt tình hình xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp không hợp tác hoặc trả lời miễn cưỡng, không sát với thực tế.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, đại biểu của tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, Thanh Hóa hiện có trên 38.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục....

Trong đó, các DNNVV (DNNVV) chiếm hơn 90%, cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương; đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DNNVV, thậm chí siêu nhỏ; phân bổ không đồng đều. Do đó, tạo ra sự chênh lệch nhất định về quy mô, tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp khu vực thành phố với khu vực nông thôn, đồng bằng và miền núi…

Ông Nguyễn Thanh Tiến - Đại diện VCCI tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận
Ông Nguyễn Thanh Tiến - Đại diện VCCI tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận

Đại biểu tỉnh Bắc Giang đã phát biểu ý kiến về công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương chưa thực sự hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong hỗ trợ, tư vấn khi doanh nghiệp có yêu cầu; chất lượng, hiệu quả chưa cao, các doanh nghiệp chưa mặn mà, chưa chủ động đề nghị được hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, việc bố trí ngân sách thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV như không có. Việc xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa thực hiện được…

Ông Kiều Văn Hưng - Trưởng phòng kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận.
Ông Kiều Văn Hưng - Trưởng phòng kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và các khó khăn trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp, đề nghị các cơ quan Trung ương triển khai nhanh các nội dung về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo chương trình, kế hoạch để địa phương thực hiện.

Hướng dẫn cụ thể việc xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại theo chủ đề mà doanh nghiệp quan tâm; Cần có cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực cho hoạt động hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm: nguồn lực con người và tài chính, cơ sở vật chất; đề nghị Trung ương ban hành văn bản áp dụng thống nhất về chính sách, cơ chế tài chính, nội dung chi, mức chi về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,..

Bà Lê Thị Hoa - Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận
Bà Lê Thị Hoa - Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận

Kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa nêu rõ, các ý kiến tham luận rất xúc tích cho cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.

Hội thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, đề nghị các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhận thức pháp luật là hành trang bảo vệ doanh nghiệp.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ được ban tổ chức tổng hợp và đánh giá kỹ lưỡng, tạo cơ sở thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Việc này nhằm hướng tới đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời đáp ứng các yêu cầu và bối cảnh mới trong giai đoạn phát triển hiện nay. Những điều chỉnh này không chỉ giúp nâng cao chất lượng hỗ trợ mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong môi trường kinh tế ngày càng năng động.