Hội thảo văn hoá 2022: Thảo luận bàn tròn tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển văn hoá

Minh An - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 17/12, trong phiên thảo luận, bàn tròn thuộc khuôn khổ Hội thảo văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về thể chế, chính sách góp thúc đẩy phát triển văn hoá trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận bàn tròn.
Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận bàn tròn.

GS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tháo gỡ 5 điểm nghẽn để có thể triển khai thành công ngành công nghiệp văn hóa

GS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
GS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Có 5 điểm nghẽn, giải pháp căn cơ cần tháo gỡ, thúc đẩy quan tâm thời gian tới để phát triển công nghiệp văn hoá.

Thứ nhất là điểm nghẽn về thể chế. Cụ thể, việc thể hoá các chủ trương, đường lối về CNVH ở Việt Nam còn chậm, chưa tạo ra được hành lang pháp lý đầy đủ để phát triển các ngành văn hoá. Đơn cử như các ngành nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm là các ngành quan trọng do Bộ VHTT&DL quản lý nhưng hiện nay vẫn chỉ có Nghị định để quản lý, điều chỉnh thị trường.

Dẫn chứng cho thực tế này, GS Từ Thị Loan chỉ ra rằng, trong Chiến lược phát triển CNVH đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải ban hành Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh Mỹ thuật Nhiếp ảnh và đến năm 2020 sẽ ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật Nhiếp ảnh. Nhưng đến nay đã cuối năm 2022 chúng ta vẫn loay hoay với các Nghị định. Do đó việc tạo ra hành lang pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển vẫn còn rất hạn chế.

Lĩnh vực quảng cáo thu lại lợi nhuận rất cao nhưng khi ban hành Luật Quảng cáo vào năm 2012, Việt Nam mới quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo truyền thống (phát thanh, truyền hình, quảng cáo ngoài trời) đến nay đã lạc hậu trong bối cảnh 4.0 với hình thức quảng cáo qua mạng internet, nền tảng số. Hiện nay, những hình thức quảng cáo mới này không đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà vào túi chủ sở hữu ở nước ngoài là các thương hiệu như Youtube, Facebook, TikTok... Do đó, chúng ta phải kịp thời sửa luật, sửa các văn bản liên quan. Hay ở lĩnh vực du lịch văn hoá, dựa trên tài nguyên văn hoá rất nhiều, Luật Di sản văn hoá banh hành năm 2009 đến nay sửa đổi bổ sung nhiều để phù hợp với các công ước của UNESCO.

Thứ 2 là điểm nghẽn về cơ chế. Chuyên gia cho rằng phải chuyển từ cấp phép xin – cho theo phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần các giải pháp để tất cả những điều pháp Luật không cấm các nghệ sĩ, nhà sáng tạo có quyền làm. Nếu có vi phạm sẽ xử lý bằng luật pháp, thanh tra, kiểm tra để giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, thúc đẩy sản xuất văn hóa để chúng ta có được sự đã dạng văn hoá.

Thứ 3 là điểm nghẽ về nguồn lực. Hiện nay, có 3 nguồn lực chính là nhân lực, tài lực, vật lực. Nguồn nhân lực có nhiều vướng mắc, khó khăn ở tất cả các khâu như nhân lực lãnh đạo quản lý, nhân lực sáng tạo, nhân lực sản xuất kinh doanh. Trước kia, chúng ta chỉ quan tâm đến nhân lực lãnh đạo quản lý và nhân lực sáng tạo nhưng đội ngũ về sản xuất kinh doanh, DN, công ty, hợp tác xã rất quan trọng và cần được quan tâm hơn trong tất cả các khâu từ đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, thậm chí là giáo dục nghệ thuật trên ghế nhà trường.

Thứ 4 là về nguồn lực tài chính, chúng ta thấy CNVH đòi hỏi nguồn lực xã hội rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế chính sách, huy động được các DN. Đặc biệt, chúng ta cần có cơ chế về hợp tác công từ TPP cho dự án đầu tư về văn hoá, nghệ thuật.

Thứ 5, nguồn lực về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn. Đơn cử với ngành điện ảnh chưa có tác phẩm phản ánh sự hào hùng của đất nước hay tương xứng với sự nghiệp đổi mới của dân tộc, nhưng trường quay, phim trường, các vấn đề hậu kỳ chưa đáp ứng được. Nhiều khi, chúng ta phải đi quay ở nước ngoài hay làm hậu kỳ ở các nước khác. Như thế, chúng ta không thể áp dụng “luật chơi” của nước mình.

Hay như vấn đề bản quyền còn rất nhức nhối, Việt Nam vẫn để diễn ra việc chép tranh, tranh giả công khai ở các phố tranh, phòng tranh. Chưa có quốc gia nào tác phẩm của các danh họa thế giới ở Việt Nam chỉ được bán với giá vài trăm, đến vài triệu đồng. Thực trạng đó cho thấy chúng ta không thể có được thị trường văn hoá lành mạnh để phát triển CNVH.

PGS. TS Bùi  Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Văn hóa là vấn đề nhạy cảm nên những can thiệp cần phải tính toán kỹ

PGS. TS Bùi  Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
PGS. TS Bùi  Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Lĩnh vực văn hoá đặc biệt tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội. Chính vì thế, mỗi can thiệp của chúng ta vào văn hoá phải tính toán kỹ lưỡng. 

Xu thế chung trên thế giới là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đây là xu thế phù hợp với bối cảnh chung khi đời sống văn hoá ngày càng phong phú. Do vậy, chúng ta cần những cơ chế để thúc đẩy sự phát triển văn hoá, trong đó có cơ chế hậu kiểm.

Hậu kiểm không có nghĩa là không có tiền kiểm. Chúng ta vẫn thông qua các quy định có từ trước để từ đó người nghệ sĩ có thể sáng tạo, biết được mình có thể làm gì hay không được làm gì. Từ đó, họ có được những sản phẩm phù hợp.

Cơ chế hậu kiểm giúp chúng ta tăng được trách nhiệm của nghệ sĩ với sản phẩm của mình. Thứ 2 là giúp các sản phẩm văn hoá đến thị trường nhiều hơn.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo thông qua các sự kiện.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Hà Nội là địa phương đầu tiên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 với mục tiêu là để CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp xứng đáng với phát triển kinh tế. Nhưng điều quan trọng hơn là để định vị thương hiệu của Thủ đô Hà Nội là một TP văn hoá, Thành phố sáng tạo, cũng là địa phương đầu tiên của cả nước tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Chính vì thế trong Nghị quyết này chúng tôi xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có 1 vấn đề rất quan trọng là xác định với phát triển văn hoá, vai trò của TP là định hướng và tạo ra môi trường thuận lợi, còn chủ thể trong việc phát triển CNVH là nghệ sĩ, nghệ nhân và các DN. Chính vì thế nhu cầu, nguyện vọng của các nghệ sĩ, giới nghệ nhân và DN trong lĩnh vực CNVH luôn được TP lắng nghe và tìm cách tháo gỡ.

Với thẩm quyền có thể làm được đến đâu, Hà Nội đã cố gắng ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên vẫn còn vướng nhiều quy định pháp luật khác ngoài thẩm quyền TP. Nhưng để tạo dựng được thương hiệu của TP thông qua các sự kiện (sự kiện không chỉ trong TP mà dần trở thành thường niên và có tính chất quốc tế. Có như vậy thì mới có điều kiện giao lưu văn hoá và giao lưu quốc tế làm cho đời sống văn hoá, thị trường văn háo phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng cao.

Thứ 2 chúng tôi mong muốn phối hợp với các DN, nghệ sĩ, nghệ nhân tiếp tục có thêm sản phẩm văn hoá mới. Để thực hiện Nghị quyết về văn hoá của Hà Nội, UBND TP đã ban hành một kế hoạch với 45 nhiệm vụ. Trong đó có 10 nhiệm vụ liên quan đến việc sửa đổi các chính sách, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho môi trường văn hoá phát triển hơn.

Xác định khoảng 30 sự kiện văn hoá lớn được tổ chức thường niên trong năm, kể cả trong nước và quốc tế; Hà Nội cũng xác định dành nguồn lực ở mức độ cao nhất của TP trong giai đoạn từ 2021 – 2025 chúng tôi bố trí khoảng 14.000 tỷ để riêng cho lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hoá nói chung, trong đó có cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Tôi cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thông qua hội thảo như hôm nay sẽ từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là từ thể chế, chính sách từ đó tạo ra nguồn lực.

Tôi khẳng định nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực sáng tạo của giới nghệ sĩ, nghệ nhận của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung không có giới hạn. Nếu tận dụng được, chắc chắn sẽ đạt được cao mục tiêu đặt ra.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) Lê Thanh Liêm : Mới chỉ có 5/9 lĩnh vực quản lý văn hóa được điều chỉnh bằng Luật

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) Lê Thanh Liêm phát biểu.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) Lê Thanh Liêm phát biểu.

Chính phủ giao Bộ VHTT&DL quản lý 9 lĩnh vực nhưng chỉ có 5 lĩnh vực có Luật điều chỉnh. Một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm… chưa có luật để điều chỉnh mà vẫn điều chỉnh bằng theo Nghị định. Trong thời gian vừa qua, Bộ VHTT&DL đã xây dựng lộ trình cụ thể. Năm 2021 và 2022, Bộ đã trình Chính phủ và các cơ qua có thẩm quyền 3 văn bản Luật: Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đó là bước đi tương đối đột phá trong thời gian vừa qua.

Từ nay đến 2026, Bộ sẽ trình sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa (dự kiến xây dựng xong trong năm 2023 và trình Quốc hội năm 2024) và sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong năm 2023 tiếp tục xin ý kiến để vào năm 2024 sẽ trình Chính phủ và các bộ ngành xem xét thông qua 2 bộ luật có sửa đổi bổ sung này. Giai đoạn 2026-2030, Bộ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật, sửa đổi một số văn bản có liên quan khác. Với quyết tâm hiện nay việc hoàn thiện thể chế đối với văn bản trực tiếp về văn hóa có thể dần hoàn thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên hệ thống văn bản để điều chỉnh lĩnh vực văn hóa cần đồng bộ, không chỉ văn bản riêng về văn hóa mà liên quan nhiều ngành nghề khác như: Tài chính, đất đai. Chúng tôi cho rằng, ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, có lộ trình hoàn thiện trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần