70 năm giải phóng Thủ đô

Hội thề Trung hiếu – làm quan trong sạch có gì độc đáo?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Hội thề Trung hiếu hay còn được biết đến là hội thề làm quan trong sạch ở đền Đồng Cổ vừa được ghi danh vào danh mục là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trải qua 995 năm, hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ vẫn được duy trì, tiếp nối và còn nguyên giá trị.

Lời thề răn dạy các bậc làm quan

Tối 21/5, trích đoạn sân khấu tuồng tái dựng Hội thề trung hiếu 995 năm trước gây xúc động với người xem. Theo lý lịch di sản văn hoá phi vật thể để nghị đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của Sở VH&TT Hà Nội, sử chép rằng, năm 1020, thái tử Lý Phật Mã sau khi dẹp loạn, được phong "Thiên hạ minh chủ", lên ngôi, lấy hiệu Lý Thái Tông (đầu thế kỷ XI), đã mở hội thề này để răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ giữ trọn đạo hiếu trung.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương trao Quyết định công nhận Hội thề Trung hiếu đề Đồng Cổ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương trao Quyết định công nhận Hội thề Trung hiếu đề Đồng Cổ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng

Lịch sử còn ghi, ngày 25/3 Âm lịch (tức 22/4/1028), trong ngày lễ hội, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mùng 4 tháng 4 Âm lịch. Trong buổi lễ không chỉ có tôn thất, quan lại trong triều đình, mà cả dân chúng cũng kéo nhau đến chúc mừng Hoàng đế anh minh và thề tuyệt đối trung thành với nhà vua, triều đình và thể chế.

Tục lệ đó được gìn giữ suốt hơn hai thế kỷ triều đại nhà Lý và còn được các triều đại nhà Trần, nhà hậu Lê duy trì theo nghi lễ quốc gia. Nhà sử học Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến Chương loại chí” cho biết: Triều đại nhà Trần (1225-1400), hàng năm, ngày 4/4 Âm lịch, quan tể tướng và các quan, từ gà gáy, đến ngoài cửa thành, tờ mờ sáng vào chầu. Vua ngự ra cửa Hữu Lang vào điện Đại Minh, các quan mặc quan phục, lạy 2 lạy, lui ra, rồi sắp đội ngũ nghi trượng và quân hầu đi ra cửa Tây đến đền Đồng Cổ cùng nhau uống máu ăn thề. Quan quân thủ kiểm chỉnh đọc lời thề rằng: “Làm tôi hết lòng trung thành, làm quan thanh bạch, không giữ lời thề, thần minh chu diệt”.

Màn sử thi được thể hiện qua ngôn ngữ sân khấu do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Ảnh: Thanh Tùng
Màn sử thi được thể hiện qua ngôn ngữ sân khấu do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Ảnh: Thanh Tùng

Đời hậu Lê (1428-1788), lễ minh thệ cũng được tiến hành với nghi thức khác hơn vào sau tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng). “Vua ngự ra trường đua xem bọn đại thần Lê Sát và các quan văn võ trong ngoài tế cáo trời đất thần kỳ, thần núi cao sông lớn, giết ngựa trắng, uống máu ăn thề” – trích “Lịch triều hiến Chương loại chí”.

Đến triều Nguyễn, kinh đô chuyển vào Huế và tiếp đó là hai cuộc kháng chiến trường kỳ của Nhân dân ta chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nên Hội thề không được tổ chức, song việc trông coi di tích và thờ cúng vẫn được cộng đồng địa phương duy trì.

Gần đây Hội thề Trung hiếu mới được phục dựng lại tại đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Nhưng ngày nay, một số nghi thức đã thay đổi như không còn duy trì nghi thức cắt máu ăn thề và những người đọc lời thề là đoàn thể, Nhân dân trong phường Bưởi.

Phát huy giá trị di sản

Điểm đặc biệt của đền Đồng Cổ là mặc dù đây không phải nơi gốc tích thờ Thần Đồng Cổ (nơi thờ Thần Đồng Cổ ở núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hóa), song chỉ tại đây mới có Hội thề Trung hiếu - lễ hội độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam.

Không gian, kiến trúc đền Đồng Cổ. Ảnh: Lại Tấn
Không gian, kiến trúc đền Đồng Cổ. Ảnh: Lại Tấn

Nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa và hết mình của toàn thể cộng đồng vì sự ổn định xã hội, phát triển đất nước. Đây thực sự là một lễ hội đặc biệt. Bởi theo các nhà khoa học, toàn miền Bắc hiện chỉ có hai Hội thề, một là Lễ hội Minh thệ ở Hải Phòng, hai là Hội thề Trung hiếu ở đền Ðồng Cổ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Theo  Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến: “Trải qua các triều đại trong lịch sử, từ thời Lý đến thời Trần, Lê và thời đại Hồ Chí Minh, lời thề này vẫn được duy trì, tiếp nối và còn nguyên giá trị. Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và Nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội... Dù 995 năm đã trôi qua cùng với bao biến thiên, bản sắc văn hóa trong Lễ hội Đền Đồng Cổ đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng nơi đây”.

Để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này một cách tương xứng, trong thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở VH&TT Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục di sản văn hoá phi vật thể, Bộ VHTT&DL, các nhà khoa học đầu ngành văn hoá, quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đồng thời, nhân kỉ niệm 995 năm Lễ hội truyền thống Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, UBND quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tổ chức dâng hương và trao đổi kinh nghiệm tại đền Đồng Cổ, làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Văn hóa phi vật thể “Hội thề đền Đồng Cổ”; tổ chức chương trình ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho học sinh; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng.

 

Đền Đồng Cổ là một trong những di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc, độc đáo, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc tại quận Tây Hồ. Ngôi đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Lý, tại làng Đông Xã, hiện nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đền thờ đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 1992.