Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ngày 15/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo VCCI, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.
Theo VCCI, các nguyên tắc quan trọng của Nghị quyết như “Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm”, “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”, “Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”… đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp.
Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng” hay “giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc. Những rụt rè, cân nhắc khi đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính của chính các bộ ngành đã giảm bớt rất nhiều. Các cuộc đối thoại, rà soát những cản trở kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã được tổ chức, gần đây nhất (ngày 13/5/2017) là cuộc đối thoại trực tiếp do Văn phòng Chính phủ tổ chức với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến các doanh nghiệp thủy sản.
Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp. Đa số các tỉnh, thành phố đã thực sự vào cuộc tích cực, hưởng ứng cùng Chính phủ. Việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghị quyết 35/NQ là một tiến bộ quan trọng, đáng ghi nhận.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 yêu cầu và địa phương cam kết. Như thời gian thành lập doanh nghiệp, đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với Cam kết).
Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm. Đặc biệt mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
MỘT SỐ Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ TRƯỚC HỘI NGHỊ
Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, sau một năm kể từ hội nghị Thủ tướng với DN, chuyển biến lớn nhất cần đề cập đến chính là tư duy của Chính phủ, của chính quyền địa phương, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ.
Theo ông Hiểu, chính quyền đã đồng hành cùng DN, có chiến lược cụ thể cho DN tại các địa phương. Trong những năm tới, nếu tiếp tục thay đổi tư duy theo chiều hướng này thì Chính phủ sẽ làm tốt việc đồng hành cùng DN.
Bên cạnh đó, vấn đề số hóa, cụ thể là vấn đề thuế, hải quan đã được chính quyền chú ý hơn, tạo sự đồng thuận của DN. Môi trường kinh doanh thay đổi theo chiều hướng tốt, chính quyền địa phương sẵn sàng giải quyết các kiến nghị của DN đến cùng. Môi trường đầu tư cũng có nhiều chuyển biến tích cực khi các địa phương tự tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư và ngày càng minh bạch.
Đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ Đà Nằng cho rằng, hiện nay việc thanh tra, kiểm tra DN chưa có dấu hiệu giảm bớt, tuy nhiên Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm minh bạch với DN. Nếu trong những năm tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường sự minh bạch, nhất là minh bạch thuế, hóa đơn từ những DN nhỏ như đưa phần mềm thuế, xuất hoá đơn đến tận những DN này thì sẽ không chỉ tăng thêm nguồn thu cho Chính phủ mà còn tạo sự minh bạch trong các hoạt động của DN.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để sử dụng được nguồn lực chung của Nhà nước và DN. Chẳng hạn việc nhà nước hiện nay còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp bỏ hoang, cần xem xét cho DN tư nhân thuê để tránh tình trạng lãng phí cũng như hỗ trợ DN sản xuất.
Theo ông Lê Văn Hiểu, cụm từ DN nhà nước và DN tư nhân hiện nay ở nhiều chính sách đã tạo ra sự phân biệt trong đầu tư, sản xuất. Để xóa bỏ sự phân biệt này cần rà soát, sửa đổi chính sách để tạo sự công bằng giữa các DN.
Cuối cùng, mỗi một lần Thủ tướng gặp gỡ DN cần có một thông điệp rõ ràng trước cuộc gặp và kết luận cụ thể sau cuộc gặp để dẫn dắt DN, khơi gợi hướng phát triển của DN trong năm. Điều này không chỉ tạo hiệu ứng cho 2.000 DN tham gia gặp gỡ Thủ tướng mà còn tạo hiệu ứng cho toàn bộ DN cả nước.
Theo ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc, những phản ánh của doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp được truyền tải tới chính quyền các cấp, song việc nghiên cứu giải quyết của chính quyền và các cơ quan chức năng rất chậm hoặc không giải quyết. Từ đó làm cho các doanh nghiệp chán nản, không muốn phản ánh, uy tín của Hiệp hội với các doanh nghiệp cũng từ đó giảm sút.
Ông Khang cho biết, các doanh nghiệp vẫn phản ánh là, một số cán bộ của một số ngành vẫn thích “hành”, thích “quản lý” doanh nghiệp, không coi trọng ý thức phục vụ doanh nghiệp như Thủ tướng đã nói.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội DN Vĩnh Phúc cho rằng, các Bộ, ngành khi soạn thảo Nghị định, thông tư hướng dẫn cần rõ ràng, cụ thể, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện không nên dùng từ đa nghĩa. Hết sức tránh tình trạng “bảo thủ” “lợi ích ngành” khi ban hành cơ chế, chính sách.
Phải hết sức coi trọng, lắng nghe ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nghiên cứu giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp kịp thời, thỏa đáng. Hết sức tránh tình trạng bao biện “giải thích” nhiều mà “không giải quyết”.
Đặc biệt, để môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện và tốt lên cần phải chú trọng cả khâu “kêu gọi đầu tư” và phục vụ doanh nghiệp “sau đầu tư”. Các hoạt động phục vụ doanh nghiệp sau đầu tư, dịch vụ sau đầu tư là vô cùng quan trọng. Nếu làm tốt hai khâu này sẽ có sức lan tỏa rất tốt để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, cần làm tốt khâu dự báo, dự đoán và thường xuyên thông báo để các doanh nghiệp biết khi họ hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc nói.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều, điển hình như xoá bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các Thông tư của các Bộ hay trong Quyết định của UBND tỉnh, Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện...
Vì thế, trong một năm số DN đăng ký thành lập mới vượt qua mức 10 vạn, số vốn đăng ký tăng nhiều, nhất là trong thị trường bất động sản.
Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng, một số mặt vẫn còn yếu kém như vấn đề nộp thuế, phá sản doanh nghiệp, giấy phép xây dựng...
Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chúng ta cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.
Theo ông, nên từ bỏ phương thức ban đầu quy định hết sức gò bó rồi nới lỏng dần theo đề nghị của DN, mà nên làm ngược lại, lúc đầu quy định hết sức thoải mái rồi căn cứ vào vào sự xuất hiện các tiêu cực của thị trường mà thắt lại dần để ngăn chặn.
Đồng thời, nên rà soát lại chế độ phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh: Nhiều địa phương đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin, Chính phủ có điều kiện trực tiếp quản lý nhiều việc mà không cần phân cấp, không sợ quan liêu trì trệ - Ông Phạm Sỹ Liêm bày tỏ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội chia sẻ: Theo ông, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, ngay cả các DN lớn cũng gặp khó khăn về vướng mắc thủ tục hành chính, doanh thu và chi phí sản xuất, nhân sự… chứ chưa nói đến các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, các khó khăn này là luôn luôn hiện hữu và DN quy mô càng nhỏ thì càng khó tiếp cận vốn vay, tỷ trọng doanh thu đầu ra để bù đắp chi phí đầu vào càng thấp, lợi nhuận biên mỏng.
Phần nữa cũng vì DN nhỏ, nguồn lực mỏng nên hiểu biết về thị trường, tình hình kinh doanh, quy trình làm việc chưa chuyên nghiệp nên cũng khó khăn khi làm việc với đối tác, bạn hàng và cả cơ quan quản lý.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, bộ máy quản lý vẫn chưa vận hành đồng bộ hoàn toàn, có triển khai nhưng chưa quyết liệt và trình độ quản lý hành chính chưa cao.
Ông lấy ví dụ từ phản ánh của DN rằng, việc thực hiện kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay đang gây khó khăn cho DN; mặc dù thủ tục hải quan đã giảm bớt giấy tờ, tuy nhiên chưa đồng bộ với các cơ quan liên quan như ngân hàng và các cơ quan Thuế nên có những giấy tờ mà cơ quan Hải quan không cấp nhưng ngân hàng hoặc cơ quan Thuế vẫn yêu cầu.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết, các DN đặt kỳ vọng nhiều vào hội nghị Thủ tướng với DN 2017 năm nay. Nghị quyết đã đề ra, chương trình hành động đã có và triển khai được một năm, theo ông “chúng ta cần sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa bộ máy quản lý hành chính và DN mà hội nghị Thủ tướng sẽ là bước nền để đưa cơ quan Nhà nước gần lại với DN hơn. Quan hệ giữa hai bên có chặt chẽ thì Nhà nước mới có thể tháo gỡ khó khăn được cho DN”.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, hỗ trợ thành lập các trung tâm hỗ trợ DN thành một hệ thống toàn quốc từ Trung ương đến địa phương.
Theo ông, Nghị quyết 35/NQ-CP đã đề cập một cách khá toàn diện các chính sách, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nội dung về chỉ đạo thành lập và hoạt động của các trung tâm hỗ trợ DN vẫn chưa được thực hiện trong thực tế.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho DN vẫn thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho DN tư nhân, DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển.
Ông Dương Tuấn Anh cho rằng, việc thu hút các DN lớn từ nước ngoài vào đầu tư là rất cần thiết, nhưng khi ký kết hợp tác cần đưa điều kiện các DN địa phương có thể liên kết làm được gì, người lao động địa phương tham gia được gì...
“Do vậy, rất cần một Trung tâm có tính pháp lý cao theo quy định của Chính phủ để làm nhiệm vụ kết nối và khi mời các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương” – ông Dương Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội DN Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị Chính phủ hoàn chỉnh và sớm trình Quốc Hội thông qua Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bởi đây là văn bản luật thiết thực mà cộng đồng DN nhỏ và vừa của cả nước đang rất trông chờ được sự hỗ trợ các điều kiện để phát triển.
Ông cho biết thêm, “Hiệp Hội chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị là dự thảo cuối cùng mà Chính phủ trình Quốc hội cần tiếp thu ý kiến của cộng đồng DNNVV trong nước để bổ sung những quy định thật cụ thể, có tính khả thi cao, tránh những quy định quan tâm chung chung cần có nhiều cơ quan khác hướng dẫn với nhiều thủ tục rườm rà, khó thực hiện”.
Nhìn nhận sau một năm, kể từ khi Hội nghị Thủ tướng với DN lần thứ nhất diễn ra, ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, môi trường kinh doanh, hoạt động của DN đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua những kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, theo ông, môi trường kinh doanh vẫn còn những “hạt sạn”, thể hiện qua công bố mới đây về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).
Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng đã đề ra là: Chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách lao động - tiền lương; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại.
Theo ông, phải rà soát và xoá bỏ những văn bản quy định đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, trước mắt là những quy định hạn chế quyền kinh doanh của DN tư nhân, những quy định làm tăng chi phí đầu vào của DN.
Đặc biệt, quản lý Nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao thay thế các giá trị truyền thống như lao động, tài nguyên.
Có như vậy mới giúp DN đua tranh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ và sức sáng tạo là yếu tố quyết định thành công. Bên cạnh đó cần thấy hết thách thức với yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực và an ninh mạng – Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân nói.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất.
Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Theo ông Thân, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến.
Từ phía doanh nghiệp, chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh; một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải “chi ngầm” để được việc.
Để khắc phục hiện tượng này phải xuất phát từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp tăng cường kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, một năm sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, 75% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan chính quyền có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần 30% doanh nghiệp đánh giá chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu.
Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp 2016 đã có khởi sắc hơn và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh tốt hơn năm 2015. Cụ thể, 48% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ trong khu vực FDI cũng tương tự.
“Năm qua đã có những đột phá về tư duy, quan điểm, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển tư duy, quan điểm, cách thức trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn cần độ trễ nhất định, nhiều vướng mắc liên quan tới pháp luật chứ không chỉ trong điều hành, nên cần nhiều thời gian hơn”, ông Lộc nói.
Đặc biệt, đại diện VCCI cho biết theo cam kết của chính quyền các địa phương thì tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra là hoàn toàn có thể đạt được.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm, trong số 320 kiến nghị doanh nghiệp nêu tại hội nghị năm 2016 và 100 kiến nghị gửi bổ sung sau đó, phần lớn đã được giải quyết. Số còn lại đang được nghiên cứu giải quyết, nhất là những kiến nghị liên quan tới quy định của pháp luật cần sửa đổi.
Hiện, VCCI đã nhận được khoảng 200 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới Hội nghị năm nay, liên quan tới nhiều vấn đề. Chẳng hạn, mặc dù nhiều ngân hàng giảm lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng.
Nghị quyết 35 yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 năm 1 lần, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6,7 lần một năm. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thì có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.
Theo ông Lộc, việc thực hiện kiến nghị giảm chi phí cho các DN như: Giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic... vẫn là một yêu cầu quan trọng. Bên cạnh đó DN cũng kiến nghị về vấn đề thủ tục phá sản DN; giải quyết tranh chấp; thanh tra, kiểm tra...
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cần hết sức tránh tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường. “Chúng ta sốt sắng phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, nhưng phải bằng các biện pháp kinh tế, bằng chính sách để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải nhà nước trực tiếp can thiệp bằng những biện pháp hành chính – điều này có thể gây ra những hậu quả về mặt dài hạn”, ông Lộc kiến nghị.
Theo đó, Chính phủ phục vụ doanh nghiệp nhưng không làm thay doanh nghiệp, làm thay thị trường. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhà nước cần “thoái sức” ra khỏi các dịch vụ công, tức là đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công. Ngay cả trong việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cũng không nên không hành chính hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo, xúc tiến… mà nên khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với sự cạnh tranh của thị trường.
Theo ông Hoàng Quang Đông - Giám đốc Công ty NHH Hoàng Minh Châu (Hưng Yên): Trong những năm qua, số lượng các DN tư nhân ngày càng tăng mạnh, song vòng luẩn quẩn nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế, dẫn đến khó tiếp cận vốn, đất đai đang khiến quy mô nhiều DN tư nhân giậm chân tại chỗ, khó đầu tư sản xuất lớn. Do vậy, các DN tư nhân rất cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng. “Bởi bản thân DN tôi hiện đang vay vốn với lãi suất 8%/năm mà chỉ được vay ngắn hạn. Rất mong lãi vay ngân hàng đối với DN tư nhân nên giảm từ 1 - 2% và nên hỗ trợ DN được vay dài hạn hơn, tiếp cận tín dụng dễ hơn để có kế hoạch đầu tư lâu dài” - ông Đông bày tỏ.
Từ một góc nhìn khác ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc R&D Tập đoàn PAN kiến nghị: Chính phủ cần kiến tạo và định hướng nguồn lực chứ không nên theo hướng kiểm soát và phân bổ nguồn lực. Ông dẫn chứng, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 - 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng. Cần phải làm rõ cơ chế phân bổ, điều kiện nhận hỗ trợ gói tín dụng này như thế nào để tránh tình trạng DN lập dự án để xin hỗ trợ mà không hiệu quả. Ông Nguyễn Trung Anh đề xuất, trong thời gian tới nên dùng chính sách ưu đãi thuế để định hướng nguồn lực thay vì phân bổ nguồn lực qua gói tín dụng ưu đãi cho các DN.