Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hôm nay, 3/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với 4 nhóm vấn đề "nóng"

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều nay, 3/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ chiều nay, ngày 3/11 đến hết ngày 5/11 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Người "đăng đàn" đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng sẽ trả lời chính nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng tập trung vào thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người "đăng đàn" đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người "đăng đàn" đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn vào sáng 4/11 là Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng sẽ làm rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Người "đăng đàn" trả lời chính nhóm vấn đề thứ 3 vào chiều 4/11 là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Cụ thể, Bộ trưởng sẽ trả lời chính về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.

Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.

Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Sáng 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời chính nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân. Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chiều 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm rõ thêm các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, 4 lĩnh vực được lựa chọn đều có nhiều vấn đề nóng cần giải quyết ngay trước mắt. Trong đó, có những vấn đề được người dân quan tâm như thừa thiếu giáo viên, công chức bỏ việc, chế độ chính sách với ngành y tế, thông tin xấu độc trên mạng xã hội,… Đặc biệt về trách nhiệm hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, công bố các kết luận thanh tra chắc chắn sẽ được các đại biểu lựa chọn để chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu kỳ vọng, các Bộ trưởng được chất vấn sẽ đi trực diện vào vấn đề, trả lời thấu đáo, rõ ràng, đẩy đủ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm. Khi kết thúc chất vấn, mỗi đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện vấn đề đó. Bộ trưởng cũng phải có trách nhiệm với phần trả lời, với lời hứa của mình để thực hiện trước cử tri, tránh việc đặt vấn đề rồi buông xuôi để đấy, mà cần có hướng giải quyết, giám sát và theo dõi đến cùng.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội), điều quan trọng nhất chất vấn không phải chỉ hỏi cho xong, mà điều quan trọng là qua quá trình giám sát và với tư cách đại biểu Quốc hội phát hiện rất nhiều vấn đề cần được điều chỉnh. Vì vậy, chất vấn là cơ hội tốt để đại biểu Quốc hội trao đổi với các đồng chí tư lệnh ngành.

“Điều mong muốn nhất sau khi chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành điều chỉnh những vấn đề đang tồn tại và thực tế cho thấy có tiến bộ, nhiều vấn đề đã được giải quyết sau chất vấn. Đây là lý do khiến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước. Vai trò của đại biểu, Quốc hội trong giám sát hậu chất vấn rất quan trọng, nếu lơ là giám sát sau chất vấn thì hoạt động chất vấn không có nhiều ý nghĩa”- đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.