Tham gia biểu diễn trong chương trình là nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ – NSND Phạm Ngọc Khôi, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Ploong Thiết, ca sĩ Tuấn Hiệp, nhạc sĩ Đỗ An, nghệ nhân hát văn Lương Trọng Quỳnh, nhóm xẩm Hà Thành, ca sĩ Thanh Cường, Hữu Duy, Tuấn Long… Đảm nhận vai trò dẫn chương trình là nhà báo Phan Đăng, Tổng đạo diễn chương trình là nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. Chương trình do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức.
Trong đêm thơ nhạc, nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ tự mình đọc những bài thơ đã đi vào lòng người của anh với phần đệm đàn của NSND Phạm Ngọc Khôi như Lối ta đi, Ủ câu thơ cũ vào men lá, Anh sẽ không nhường em cho ai cả, Rồi có ngày con trở thành thiếu nữ, Đau đớn nhất là khi bạn cũ, Anh buồn lắm vì em không hạnh phúc… Bên cạnh đó, các bài thơ của Hồng Thanh Quang cũng sẽ được ngâm bởi các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, Ploong Thiết. Đặc biệt, NSƯT Minh Vượng cũng xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn sau một thời gian dài vắng bóng qua phần trình bày thơ với tư cách một người bạn của nhà thơ Hồng Thanh Quang.
Về phần âm nhạc, chủ đạo là những bài thơ được thể hiện trên nền các nghệ thuật hát văn, hát xẩm, ngâm thơ cổ, ca Huế, Quan họ… Đồng thời, nhiều bài hát phổ thơ Hồng Thanh Quang nổi tiếng cũng sẽ được trình diễn trên sân khấu như Mẹ (nhạc sĩ Phú Quang), Khúc hát vào thu (Quang Sơn), Sớm thu (Quỳnh Hợp), Khúc mùa thu (Phú Quang)…
Một bất ngờ thú vị là Hồng Thanh Quang còn xuất hiện không chỉ với tư cách nhà thơ mà còn là một nhạc sĩ. Bài hát Noel buồn do anh phổ thơ Triệu Ngọc Lâm sẽ được trình bày bởi ca sĩ Tuấn Hiệp.
Chia sẻ về Người đàn ông mùa thu, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho biết: Đây thực ra chỉ là một cuộc gặp gỡ giữa những người tri kỷ, giữa nhà thơ với các nghệ sĩ biểu diễn theo dòng nhạc dân gian để cùng tạo nên một đêm hội truyền thống ở chính trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Và cũng là để dựng nên chân dung nghệ thuật của một người thơ ở độ tuổi sang chiều.
“Với những chiêm nghiệm, trăn trở, xúc cảm và hồi tưởng, tôi muốn được chia sẻ cùng với khán giả như những liều trợ dưỡng tinh thần. Những tác phẩm được lựa chọn từ nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau của tôi nhưng rất nhất quán ở mạch cảm xúc, góc nhìn và cách cảm…”, nhà thơ Hồng Thanh Quang nói thêm.