Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hôm nay, Quốc hội xem xét Dự án Luật về PPP

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 11/11, Quốc hội bắt đầu tuần làm việc thứ 4, nghe tờ trình vào thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là một trong những Dự Luật được trông đợi nhất tại kỳ họp này bởi mong muốn tạo khung pháp lý ổn định cho cơ chế hợp tác công tư trong giai đoạn mới.

 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Theo tờ trình Dự án Luật này, một trong những lý do quan trọng nhất để cần thiết phải ban hành Luật chính là khung pháp lý hiện hành cho cơ chế đầu tư theo hình thức PPP đang bộc lộ nhiều bất cập. Các quy định chỉ dừng lại ở cấp độ Nghị định và chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Vì khung pháp lý ở cấp nghị định sẽ không ổn định, liên tục phải điều chỉnh, gây nhiều bất lợi cho cả phía Nhà nước và DN khi thực hiện các dự án PPP có quy mô đầu tư lớn, dài hạn. Việc thay đổi quy định tại các luật nêu trên hoặc các nghị định đều có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ hợp đồng dự án PPP.
Trong các phiên thảo luận để hoàn chỉnh Dự Luật trước khi trình Quốc hội cũng cho thấy, hầu hết ý kiến đều ủng hộ việc ban hành một đạo luật riêng, không chỉ nhằm bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP mà còn tạo khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Bên cạnh đó, khung pháp lý hiện hành cũng còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung trong Dự Luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi. Điển hình như thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP. Theo Dự Luật, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan khác ở T.Ư; UBND cấp tỉnh và tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều này chưa phù hợp với tính chất đặc thù của dự án PPP. Một số nội dung khác cũng còn những quan điểm khác nhau như mối quan hệ của Luật Đầu tư theo phương thức PPP với một số luật khác có liên quan; Hội đồng thẩm định dự án, trình tự thực hiện dự án, các loại hợp đồng PPP, cơ chế quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP, hoạt động của DN dự án, quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP và các cơ chế bảo đảm của Chính phủ…
Cùng với Dự Luật này, trong tuần làm việc thứ 4, Quốc hội cũng dự kiến biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020.
Cũng trong tuần làm việc thứ tư, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về các Dự án Luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi)… Đặc biệt, chiều 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội.