Bộ Bộ TT&TT cho biết việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Đến hiện tại, một lượng lớn thuê bao đã bị loại bỏ khỏi lưu hành sau giai đoạn bùng nổ của các loại SIM số di động.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2006-2016, Bộ ban hành nhiều quyết định nhằm quy hoạch đánh số điện thoại quốc gia, quy định sử dụng kho số viễn thông. Trong giai đoạn này, Bộ phân bổ đến 236 triệu số thuê bao.
Giai đoạn này cũng phổ biến các thuê bao có 11 chữ số (0167xxxxxxx, 0128xxxxxxx…) và nhiều mã mạng khác theo quy hoạch.
Theo báo cáo từ Bộ TT&TT, cả nước hiện có 127,2 triệu thuê bao di động, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Con số này hiện đã giảm gần 109 triệu số so với giai đoạn 2016, với hơn 236 triệu số thuê bao.
Bộ TT&TT cho biết, với chính sách mở cửa, cơ chế tiếp cận dễ dàng, bình đẳng, thị trường viễn thông rất sôi động với nhiều doanh nghiệp tham gia. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao. Tính đến 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 30 trên bảng thống kê.
Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành các thông tư mới, giải phóng tài nguyên, quy hoạch kho số H2H (giao tiếp người - người) và số M2M (giao tiếp máy - máy). Điều này nhằm phục vụ sự phát triển của thị trường viễn thông với các dịch vụ 5G, IoT (Internet vạn vật) và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông trong nước áp dụng các biện pháp nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao. Đến tháng 6/2022, 100% thuê bao có thông tin đúng quy định, hợp lệ. Con số tồn đọng ở năm 2017 là gần 22 triệu, tháng 9/2021 còn 7 triệu SIM, nay đã được giải quyết.
Tuy nhiên, công tác chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân chưa hoàn thiện. Hiện, mới đối chiếu, rà soát được hơn 24% tổng số giấy tờ (18 triệu/76 triệu).