70 năm giải phóng Thủ đô

Hơn 2.000 ngôi nhà thiệt hại do mưa đá, lốc xoáy tại Điện Biên

Chia sẻ Zalo

Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông nên trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra gió lốc, mưa đá cục bộ, gây một số thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Điện Biên, các trận lốc xoáy và mưa đá từ ngày 22-25/4 đã làm 1.954 ngôi nhà bị tốc, vỡ mái, 46 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, 11 ngôi nhà bị hư hại nặng.

Thiên tai cũng đã làm 5 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng, 2 con trâu và 200 gia cầm bị chết, 38ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%.
Một nhà dân ở xã Na Co Sa bị lốc xoáy cuốn bay mái. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Một nhà dân ở xã Na Co Sa bị lốc xoáy cuốn bay mái. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Đã có 5 điểm trường, 1 trạm y tế xã, 1 trạm phát thanh và 1 nhà văn hóa bị hư hại; 15m kênh thủy lợi và 125m tường rào bị đổ, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, sản xuất của học sinh và nhân dân địa phương.

Đây mới chỉ là thống kê sơ bộ vì hiện tại vẫn còn 3/10 địa phương trong tỉnh chưa có báo cáo thống kê.

Trận lốc xoáy đêm 24/4 đã gây thiệt hại khá nặng nề cho ngành Điện lực: đã có 3 cột trung thế và gần 20 cột điện hạ thế bị gẫy đổ, vỡ hàng chục quả sứ cách điện trên địa bàn các xã Sang Dung, Phì Nhừ, Pú Hồng, Phình Giàng của huyện Điện Biên Đông.

Để khắc phục tình trạng mất điện trên diện rộng của địa phương này, ngành Điện lực Điện Biên đã phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân đến các địa bàn này để gia cố tạm thời cột điện gãy đổ, nối lại đường dây.

Đến thời điểm này, cơ bản sự cố đã được khắc phục, đóng điện trở lại cho hầu hết các khu vực trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.

Riêng trạm biến áp xã Phì Nhừ, do gẫy cột điện trung thế tại vị trí phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên ngành Điện lực vẫn đang nỗ lực vận chuyển cột mới vào vị trí để thay thế.

Điều đáng chú ý là do nhà cửa của các hộ dân bị hư hại nhiều, nhu cầu sử dụng vật liệu thay thế tăng đột biến, nên đã xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá vật liệu xây dựng.

Xã Chiềng Sơ là địa bàn bị thiệt hại nặng nhất của huyện Điện Biên Đông, các cửa hàng bán tấm lợp Fibro ximăng đều đang ở tình trạng “cháy hàng.”

Do đang trong thời kỳ giáp hạt, nên người dân phải mua chịu tấm lợp về sửa chữa nhà cửa. Bởi vậy, nhiều người đã phải mua với giá cao hơn từ 20- 30% giá thị trường.

Thực trạng này cần được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp can thiệp, tránh để người dân phải chịu “thiệt hại kép” sau đợt thiên tai vừa qua./.