Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 2.100 người ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế cho biết, trong 5 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến trên 2.100 người mắc và 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 10%, số tử vong giảm 46%.

Ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo ngay các cơ sở y tế cứu chữa các bệnh nhân mắc; triển khai nhiều biện pháp để đưa các nạn nhân nặng hạn chế tối đa tử vong; đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay các cơ sở cung cấp an toàn thực phẩm (ATTP).

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, cơ sở truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm tìm nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm.

Xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn tại một trường học trên địa bàn Hà Nội.
Xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn tại một trường học trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc cùng với Bộ NN&PTNT, phát hiện một số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi bên ngoài…

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, trong đó tập trung từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm… Các địa phương tập trung giải quyết tận gốc vấn đề mất ATTP.

Trước đó, Bộ Y tế đã triển khai hướng dẫn 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về bảo đảm ATTP. Trong đó, có 2 khuyến cáo là người dân phải chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần chọn mua thực phẩm từ các nguồn uy tín, có nguồn gốc và nhãn mác. Ngoài ra, người dân nên rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến. Riêng thịt, gia cầm và hải sản, phải rửa dưới vòi nước chảy mạnh. Những thực phẩm này không rửa trong bồn rửa bát vì có thể làm lây truyền vi khuẩn sang các thực phẩm khác.

Với trứng, người dân cần rửa sạch trước khi đập; không để trứng sống trong tủ lạnh quá 2 tuần. Rau, củ, quả, cần rửa sạch dưới vòi nước chảy mạnh; không ngâm rau, củ, quả trong nước quá lâu vì có thể làm mất chất dinh dưỡng.

Cùng với đó, người dân nấu chín kỹ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn. Với thịt, gia cầm và hải sản, cần nấu chín ở nhiệt độ ít nhất là 74 độ C. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Riêng sữa và các sản phẩm từ sữa chỉ sử dụng khi còn hạn dùng và đã được tiệt trùng.

Còn với thực phẩm chế biến sẵn, người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ nhãn mác trước khi mua; không mua loại đã hết hạn sử dụng. Đặc biệt người dân lưu ý, nếu phía bên ngoài của đồ hộp bị móp méo, gỉ sắt... thì dù còn hạn sử dụng cũng không nên mua vì sản phẩm đã không được bảo quản tốt. Nếu vỏ hộp có hiện tượng bị phồng lên thì phải cảnh giác vì có khả năng bị hư hỏng do nhiễm độc vi khuẩn Clostridium botulinum, nếu ăn rất dễ gây ngộ độc dẫn đến tử vong.