Hơn 20.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Nguy cơ lây lan dịch Covid-19

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với 63 tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư tại hơn 700 điểm cầu tại các tỉnh, TP, quận, huyện, thị xã. Nhiều mối lo về dịch Covid-19 tái bùng phát được đặt ra khi số người nhập cảnh trái phép rất đáng báo động.

Lo ngại nhập cảnh trái phép

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã qua 80 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình thế giới căng thẳng, sự lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại. Những nghiên cứu, đánh giá cho thấy, hệ số lây nhiễm không tăng nhưng số người nhiễm Covid-19 tại nhiều quốc gia lại tăng lên. Nguy cơ nhiễm Covid-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị

Chỉ riêng trong ngày 23/11, có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong khi đó, tại các khu cách ly, dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng vẫn có tình trạng lơ là, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự. Do đó, vai trò quản lý của các địa phương để việc quản lý cách ly được đảm bảo, chặt chẽ là hết sức quan trọng.

Trong thời gian qua, các địa phương đã cố gắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng từ nay tới cuối năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên yêu cầu phòng, chống dịch cần phải cao hơn. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần chuẩn bị tất cả các tình huống cho Covid-19.

Đề cập đến vấn đề nhập cảnh vào Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tình trạng người dân tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép rất đáng lo ngại. Có người Trung Quốc hết visa nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không về nước do sợ dịch Covid-19. Những đối tượng này làm giả giấy tờ để kéo dài thời gian lưu trú tại Việt Nam hoặc lưu trú bất hợp pháp tại khách sạn, khu nhà trọ…
Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng đang diễn biến phức tạp. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, một số lao động ở Lào về không muốn cách ly nên nhập cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở, một số lao động từ Brunei nhập cảnh trái phép về nước qua tuyến biển…

Việc nhập cảnh trái phép chủ yếu được tiến hành thông qua mạng xã hội, zalo. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Đáng chú ý, một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.

Từ đầu năm tới nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã được duy trì trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam...

Xác định cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép dự báo gia tăng, để đảm bảo cho lực lượng bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ, đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, thôn bản, xã phường tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân địa bàn biên giới không xuất nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cần tổ chức chốt chặt, nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới, bởi theo Thiếu tướng Mạnh, về cơ bản các tỉnh hiện đã rút hế lực lượng về và cơ bản chỉ còn lực lượng biên phòng, nên công tác phòng, chống dịch cũng khó khăn...

Xác định cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép dự báo gia tăng, để đảm bảo cho lực lượng bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ, đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, thôn bản, xã phường tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân địa bàn biên giới không xuất nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần tổ chức chốt chặn nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới.

Sẵn sàng ứng phó với ca bệnh trong cộng đồng

Liên quan tới công tác xét nghiệm Covid-19, dù triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, tăng cường xét nghiệm nhưng số mẫu xét nghiệm chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày. "Nếu xét nghiệm như vậy trong thời điểm này rất dễ không phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong khi đây là cách duy nhất phát hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
 Xét nghiệm cho người nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Nội Bài

Dù con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá nếu so với các trường hợp có triệu chứng cúm, viêm phổi nặng thì con số xét nghiệm này là "rất thấp trong khi có cơ chế, có BHYT chi trả". "Bài học là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh", GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và lưu ý, phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nếu không thì sẽ có tình trạng "lấy mẫu không kịp xét nghiệm" như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã ban hành chỉ đạo để phòng, chống Covid-19 chặt chẽ tại các cơ sở y tế, tuy nhiên bên cạnh các bệnh viện thực hiện tốt thì vẫn còn một số bệnh viện còn lơ là, đặc biệt là khối tư nhân, bệnh viện tư nhân.

Trong thời gian qua, các địa phương đã cố gắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng từ nay tới cuối năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cần phải đẩy lên cao hơn, cần chuẩn bị tất cả các tình huống ứng phó với việc xuất hiện ca bệnh Covid-19 ở cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần