Cẩn trọng tìm hiểu về tính pháp lý của các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài trước khi quyết định đăng ký tham dự - Ảnh minh họa
Theo đó, hiện cả nước có 233 chương trình liên kết đào tạo, trong đó 212 chương trình đang hoạt động và 15 chương trình đã dừng tuyển sinh (cơ sở đào tạo báo cáo không tiếp tục tuyển sinh chương trình) và 6 chương trình đã hết hạn hoạt động.
Cục Đào tạo với nước ngoài cho biết, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì và phối hợp với các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và đã phát hiện một số cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài chỉ được cấp phép đào tạo trình độ sơ cấp nghề (cấp chứng chỉ, không có giá trị tích lũy để cấp văn bằng) nhưng đã tiến hành đào tạo và liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị sai phạm, yêu cầu chấm dứt hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo các chương trình liên kết trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, trả lại kinh phí cho người học và giải quyết hậu quả.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khuyến cáo các bậc phụ huynh và các bạn sinh viên, học viên cần cẩn trọng tìm hiểu về tính pháp lý của các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài trước khi quyết định đăng ký tham dự. Chỉ có các cơ sở giáo dục đại học mới được phép đào tạo và liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học và sau đại học. Theo quy định hiện hành, tất cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học và sau đại học phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các đại học cấp phép. Các Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cấp phép cho các trường thành viên còn lại tất cả các cơ sở đào tạo đại học khác phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.