Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 24,9 triệu lượt truy cập thông tin BHXH trên ứng dụng VNeID

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số ở các lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Với 3 trọng tâm là nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, công tác chuyển đổi số đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (DN) được Chính phủ và Nhân dân ghi nhận, hưởng ứng.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Mục tiêu được ngành BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới toàn thể công chức, viên chức (CCVC) và người lao động (NLĐ).

Ngành đã cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024; lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khai thác, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; nhiều hội nghị chuyên sâu, hội thảo quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH BHYT…

Phát triển hạ tầng số

Ngành đã triển khai 28 hệ thống phầm mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ trên môi trường điện tử; kết nối với hơn 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ sức khỏe điện tử.

Hiện có hơn 621.000 DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, qua đó giúp các DN tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành

BHXH Việt Nam đã chú trọng nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID - BHXH số. Hiện toàn quốc có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục KCB BHYT.

BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID. Đến nay, đã có hơn 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID.

Phát triển dữ liệu số

BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam  đã xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 88,5 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH BHYT, BHTN, đạt tỷ lệ 98,4%.

Đồng thời, phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VneID. Đến nay, đã có hơn 24,9 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công và tích hợp lên ứng dụng VNeID.

Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin 

BHXH Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Đến nay, BHXH Việt Nam  đang tiếp tục thực hiện rà soát, xây dựng, trình phê duyệt cấp độ đối với các hệ thống xây dựng lại và các hệ thống đã nâng cấp. Thực hiện rà soát, gắn nhãn tín nhiệm mạng cho 75 website thuộc quản lý của BHXH Việt Nam.

Thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trên môi trường số.

Trong 9 tháng năm 2024, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 10,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 76,6 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 92,5% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến).

Riêng với quá trình thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả 7 dịch vụ công, thủ tục hành chính liên thông. Thông qua các dịch vụ công này, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,7 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến.

Người dân, đơn vị, doanh nghiệp được hưởng lợi

Có thể khẳng định, nỗ lực chuyển đổi số và nhất là những cố gắng thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 của BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN khi tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Hiện nay, đã có hơn 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục KCB BHYT, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, giảm thời gian làm thủ tục KCB BHYT, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính.

BHXH Việt Nam đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tính đến nay, đã có khoảng 78% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, tăng 14% so với năm 2023, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.

Ngoài ra, hiện nay, trên toàn quốc có 1.299 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 4.186.208 dữ liệu được gửi; có 1.807 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 1.631.319 dữ liệu được gửi; 722 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 19.817 dữ liệu được gửi.

Có thể thấy, những thành quả trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ đối với người dân, DN mà với cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân giảm thời gian, chi phí khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Các bộ, ngành, địa phương được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.