Thu ngân sách hơn 6.576 tỷ đồng
Tại hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 6.576 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 664.197 trường hợp, tạm giữ 1.070.534 phương tiện các loại.
Trong đó, trên đường bộ, có 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04%), 2.935 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,09%), 66.153 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,98%), 4.629 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,14%), 74.997 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 2,24%), 663.022 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 19,83%),...; trên đường sắt, có 154 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 4,42%); đường thủy nội địa, có 151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 0,27%), 35.284 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (chiếm 62,1%),...
Về thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hoá bằng container trên toàn quốc, kết thúc kế hoạch đã xử lý hơn 65.000 trường hợp vi phạm.
TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách và xe container giảm cả 3 mặt so với thời gian trước liền kề (TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách đã giảm 34,09% số vụ, giảm 18,48% số người chết và giảm 47,87% số người bị thương, TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container giảm hơn 42,50% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 21,42% số người bị thương).
Về xử lý vi phạm nồng độ cồn, ông Khuất Việt Hùng thông tin, ngoài các địa phương tổ chức ra quân, xử lý quyết liệt với kết quả đạt được nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với một số Cục nghiệp vụ xây dựng kế hoạch thành lập 6 Tổ công tác trực tiếp thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương. Kết thúc kế hoạch, các tổ công tác đã bàn giao cho địa phương xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức.
Cơ quan Cảnh sát giao thông và cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 4.985 vụ, 5.086 bị can. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 4.862 vụ, 5.096 bị can (Tòa án nhân dân các cấp đã xét 4.508 vụ, 4.707 bị cáo) liên quan đến các vụ tai nạn, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Thực hiện hơn 66.000 cuộc thanh tra
Đối với kết quả thanh tra kiểm tra chuyên ngành, từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/12/2023, các cục quản lý chuyên ngành thuộc bộ và thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện 66.019 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 38.442 vụ với số tiền xử phạt trên 189 tỷ đồng; tạm giữ 184 ô tô; đình chỉ hoạt động 34 bến và 104 phương tiện thủy nội địa; giám sát 666 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 601 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Bộ GTVT đã triển khai 8 nội dung thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT, gồm: Kiểm tra đột xuất công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa tại Cảng hàng không, sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh. Kiểm tra công tác quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại một số cảng hàng không, sân bay.
Bên cạnh đó, thanh tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt; quản lý hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu; công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt. Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kiểm định ATKT&BVMT phương tiện thủy nội địa.
Thanh tra công tác quản lý bảo trì đối với các quốc lộ được ủy thác tại Sở GTVT Tuyên Quang. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đối với Công ty Cổ phần Đường sắt Nghĩa Bình, Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh, Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu Đường sắt Đà Nẵng. Kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên toàn quốc.
Kết quả triển khai, xử lý vi phạm, quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình: tính đến hết ngày 30/11/2023, trên cả nước có 919.811 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Ngoài ra, tính đến hết ngày 15/12/2023 các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 39.756 phương tiện (đối với các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên), chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 476.397 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.
Bên cạnh đó, các Sở GTVT tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước.
Kết quả triển khai thực hiện quy định về việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải: thực hiện quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, theo thống kê của các Sở GTVT có khoảng 200.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định. Qua theo dõi cho thấy đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện việc lắp đặt xong đối với toàn bộ các phương tiện có tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định.
Lực lượng Kiểm tra xe quân sự đã kiểm tra 6.361 lượt xe cơ giới quân sự hoạt động ngoài doanh trại, chấn chỉnh, xử lý 97 lượt xe (1,85%) chưa chấp hành tốt các quy định của Quân đội về sử dụng xe cơ giới quân sự khi tham gia giao thông (cập nhật sổ theo dõi hoạt động của xe chưa đầy đủ...); phối hợp với Cục CSGT và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý 7 quân nhân điều khiển xe ô tô, mô tô cá nhân vi phạm TTATGT đường bộ.