Hơn 300 mã “nằm sàn”, VN-Index tiếp tục dò đáy

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên 10/11, thị trường chứng khoán rơi vào cảnh bán tháo trên diện rộng khiến VN-Index phá tan nỗ lực phục hồi trong những phiên trước. Chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước thị trường này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, VN-Index dừng gần mức 947 điểm, giảm hơn 38,3 điểm, HNX-Index cũng giảm 9 điểm xuống còn 192,4 điểm. Upcom-Index giảm 3,4 điểm về mốc 68,8 điểm.

Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục dò đáy.
Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục dò đáy.

Thanh khoản tiếp tục đi ngang với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tương đương với gần 800 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Sắc đỏ và xanh lơ phủ kín sàn với 303 mã giảm sàn và 432 mã giảm điểm. Trong khi đó, chỉ có hơn 100 mã tăng giá.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như: MSN, HPG, GVR, VPB, CTG, NVL… đều giảm sàn.

Nhóm giảm mạnh nhất là chứng khoán với 24/25 mã giảm, 16 mã sàn. Các ông lớn trong nhóm như SSI, HCM, VCI, VND, MBS, SHS… đi đều trong sắc sàn.

Trong phiên ngày 10/11, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng là tác nhân tiêu cực nhất lên thị trường khi chìm trong sắc đỏ. 2 nhóm này đã cộng hưởng với nhau đẩy thị trường rơi mạnh, nhất là vào phiên chiều. Có thể kể đến một số mã giảm sâu như CTG giảm 6,95 %, VPB giảm 6,87%, MBB giảm 6,78%, BID giảm 4%, NVL giảm gần 7%...

Ở chiều ngược lại, sắc xanh ở một số ít cổ phiếu như LGC, PDN, SHI hay CKG dù nằm trong top tác động tích cực nhất lên thị trường nhưng cũng chỉ như "muối bỏ bể".

Có thể thấy, thời gian gần đây, dòng tiền đang gây áp lực lên thị trường chứng khoán Việt, tạo ra những cơn sóng giảm điểm, nhiều nhà đầu tư cá nhân rút khỏi thị trường. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư trong nước chỉ mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán trong tháng 9, giảm 34% so với tháng trước.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán hiện còn gặp một số yếu tố bất lợi. Đầu tiên là những căng thẳng địa chính trị đang phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu tạo ra chuỗi đứt gãy trong chuỗi cung, thúc đẩy giá hàng hóa tăng lên.

Việc lạm phát tăng lên ở khắp nơi trên thế giới thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ thay vì nới lỏng như những năm dịch Covid-19 vừa qua. Thắt chặt tiền tệ không có lợi cho thị trường chứng khoán, vì làm tăng chi phí vốn vay khiến lợi nhuận của các công ty bị co hẹp, giá cổ phiếu bị chiết khấu mạnh.

Ngoài ra, lãi suất huy động tăng mạnh khiến nhiều người rút tiền khỏi chứng khoán để gửi tiết kiệm. Nhìn chung một khi dòng tiền rẻ không còn, chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Báu - Giám đốc điều hành Công ty WiGroup, chuyên phân tích dữ liệu tài chính cho biết, dòng tiền vẫn sẽ là yếu tố quyết định đến tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Do đó, năm 2022 là năm đẹp về kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ, lạm phát thấp nhưng lại không đẹp về tiền tệ vì lãi suất tăng, dòng tiền rẻ không còn.

Bước sang năm 2023, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt tần suất tăng lãi suất sẽ hỗ trợ tốt cho chính sách tiền tệ của Việt Nam. Từ đó, khiến áp lực hút ròng tiền không còn mạnh, dòng tiền kỳ vọng sẽ phục hồi dần, qua đó giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại.

Đáng chú ý, số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay tăng 22% so với cùng kỳ. Các công ty niêm yết trên sàn được dự báo tăng trưởng lợi nhuận lên đến 19% trong năm 2023 với nhiều lĩnh vực tăng trưởng vượt trội như: ngân hàng, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp… Vì vậy, triển vọng thị trường chứng khoán trong dài hạn là tích cực.

Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước tình hình hiện tại. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn và đang có tiền sẵn giải ngân thì chỉ giao dịch với tỷ trọng thấp dưới 30%. Việc mua mới chỉ được thực hiện với cổ phiếu có câu chuyện cơ bản hỗ trợ hoặc có điểm mua.