Xuất hiện dấu hiệu cấu thành tội hình sự sau thanh tra tại TKV

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/10, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả thanh tra quý 3, với hơn 42.600 tỷ đồng được phát hiện do vi phạm nguyên tắc chi tiêu tài chính và 347 ha đất sử dụng sai mục đích.

Theo ông Ngô Văn Khánh, cuộc thanh tra tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã kết thúc nhưng đây là một tập đoàn có quy mô hoạt động và khối lượng công việc rất lớn nên việc tổ chức thanh tra phải làm rất quy mô, bài bản.

“Chúng tôi cũng cố gắng theo cách thức trọng tâm, trọng điểm để làm sao nói được những vấn đề về mặt được và chưa được, về cơ chế chính sách. Kết quả thanh tra bây giờ đang ở những bước trao đổi với bộ ngành, tập đoàn TKV. Trao đổi này là thông lệ, bởi đây là loại việc thực hiện theo quy định, có những việc phải lắng nghe để có kết luận thấu tình đạt lý”- ông Khánh nói.

Ông Khánh khẳng định, quá trình thanh tra đã xuất hiện những sự việc có dấu hiệu cấu thành tội hình sự nên Thanh tra Chính phủ đã trao đổi, thảo luận với Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra của Bộ Công an để nhận định, đánh giá. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tại TKV sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ. Vụ việc cụ thể và xảy ra ở đơn vị nào thì Thanh tra Chính phủ chưa thể chia sẻ với báo giới vào thời điểm này.

Đối với cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Ngô Văn Khánh khẳng định chưa kết thúc thanh tra. “Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án tại PVC nên thời điểm này cùng lúc vừa có lực lượng thanh tra, vừa có lực lượng điều tra làm việc với PVC. Chính vì thế nên chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với nhau, làm sao không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các đơn vị thành viên”- ông Khánh nói.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết thêm: Quý 3/2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về chi tiêu tài chính và quản lý sử dụng đất ở nhiều lĩnh vực, phát hiện hơn 42.600 tỷ đồng vi phạm nguyên tắc tài chính và 347 ha đất sử dụng không đúng mục đích. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 33.966 tỷ đồng và 43 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 8.600 tỷ đồng, 304 ha đất. Thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 436 tập thể, cá nhân; ban hành 44.441 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 1.146 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra làm rõ 16 vụ, 30 đối tượng có việc làm sai phạm.
 Thanh tra dự án Tổng công ty Mobiphone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu đang được thanh tra đúng quy định. Ảnh minh họa.
Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ còn tiếp hơn 90.780 lượt công dân, với 45.170 vụ việc để xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nạn, tố cáo. Xử lý 38.329 đơn đủ điều kiện, tăng 11% so với quý 2. Thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nạn, tố cáo Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước16 tỷ đồng, 3 ha đất; trả lại quyền lợi cho 348 người, kiến nghị xử lý hành chính 177 người có hành vi vi phạm.

Một số cuộc thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, như: Việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam; Thanh tra dự án Tổng công ty Mobiphone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu. Các cuộc thanh tra này đã được Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thanh tra theo đúng quy định, và vẫn trong quá trình thanh tra.

Các kết luận của cơ quan thanh tra đều được thủ trưởng cơ quan cùng cấp có ý kiến đồng ý với những kiến nghị xử lý các mức độ, như: Hành chính, tài chính, cơ chế chính sách, đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ.

Kết thúc thanh tra tại đơn vị, Đoàn thanh tra đều hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc phức tạp Thanh tra đều gửi lấy ý kiến của một số bộ, ngành có liên quan và hoàn thiện kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra theo đúng quy định. Như vậy mọi cuộc thanh tra đều đảm bảo các yêu cầu chính xác, dân chủ, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào quá trình chống sai phạm, tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.