Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 43 triệu thửa đất được đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Báo cáo từ Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 43 triệu thửa đất tại 63 tỉnh, TP đã và đang được triển khai đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai.

Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia là một trong những nhiệm vụ trong tâm được nhấn mạnh trong Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu, kết nối liên thông.

Hơn 43 triệu thửa đất đã và đang được xây dựng cơ sở dữ liệu (Ảnh minh họa).
Hơn 43 triệu thửa đất đã và đang được xây dựng cơ sở dữ liệu (Ảnh minh họa).

Căn cứ vào mục tiêu trên, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, cũng tiến hành rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được thủ tục nhưng giảm thiểu việc phải đến nơi nộp hồ sơ.

“Tính đến nay, về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp T.Ư đã xây dựng, hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để chuẩn bị vận hành, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay 63/63 tỉnh, TP đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó 217/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đưa vào quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng; 100% Văn phòng Đăng ký đất đai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai” – đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho hay.

Bên cạnh đó, 24 tỉnh, TP đã thực hiện việc kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế; 61 tỉnh, TP thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cũng theo đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, hướng tới mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước, thời gian tới Tổng cục tiếp tục tham mưu cho Bộ TN&MT để chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm cải cách, đơn giản hóa và giảm thiểu thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ phải nộp dưới hình thức áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch.

Được biết, đến thời điểm hiện tại Bộ TN&MT đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai. Theo đó, việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai sẽ phải trả phí và chi phí cung cấp dữ liệu, thông qua các hình thức: Mạng internet, mạng chuyên dùng; Cổng thông tin điện tử về đất đai do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu đất đai quy định; Dịch vụ tin nhắn; Phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu; Hợp đồng khai thác, sử dụng dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật... Tổ chức, cá nhân khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai phải đăng ký, được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin đất đai.