Hơn 5.000 ca phẫu thuật và nhiều ca ghép gan kỹ thuật cao cho bệnh nhi

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò là lá cờ đầu về Ngoại Nhi của cả nước, Trung tâm Ngoại tổng hợp đã thực hiện thành công hơn 5.000 ca mổ trong năm 2023, trong đó có 2.541 ca mổ cấp cứu và 2.643 ca mổ phiên, đem lại hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhi và gia đình.

Các y bác sĩ Trung tâm Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ứng dụng thành công nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật cao vào khám, chữa bệnh như: Ghép gan, cắt khối tá tụy, cắt u sau phúc mạc, u tuyến thượng thận, điều trị nang ống mật chủ, teo thực quản, thoát vị hoành,…

Qua đó, góp phần đưa ngành Ngoại Nhi Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực, giúp nhiều trẻ em không phải đi nước ngoài chữa trị, nhiều bệnh nhi đứng trước “cửa tử” được mở ra cuộc đời mới.

Thực hiện hơn 5.000 ca mổ năm 2023

Phẫu thuật nội soi tại Trung tâm Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương được thực hiện thường quy với khoảng 80% tổng số các ca phẫu thuật.

Hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ bác sĩ trong những ca phẫu thuật phức tạp.
Hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ bác sĩ trong những ca phẫu thuật phức tạp.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ca phẫu thuật điều trị bệnh lý như: Nang ống mật chủ, teo thực quản, thoát vị hoành, tắc tá tràng, xoắn trung tràng, phình đại tràng bẩm sinh, không hậu môn,… đều được thực hiện thông qua phẫu thuật nội soi.

Với vai trò là lá cờ đầu về Ngoại Nhi của cả nước, Trung tâm Ngoại tổng hợp đã thực hiện thành công hơn 5.000 ca mổ trong năm 2023, trong đó có 2.541 ca mổ cấp cứu và 2.643 ca mổ phiên, đem lại hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhi và gia đình.

Thực hiện thành công các ca phẫu thuật phức tạp như: Ghép gan, cắt gan lớn theo giải phẫu, cắt khối tá tụy, phân lưu cửa chủ, cắt u sau phúc mạc có yếu tố nguy cơ chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng, phẫu thuật điều trị vô hạch toàn bộ đại tràng, chính là niềm tự hào đáng khích lệ của tập thể đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm.

Ca ghép gan trẻ em thứ 50 mở ra cơ hội sống cho bệnh nhi mắc bệnh gan giai đoạn cuối do teo mật bẩm sinh

Trước đó, ngày 18/10/2023, ca ghép gan trẻ em thứ 50 của Bệnh viện Nhi Trung ương cho bệnh nhi G.H. (3 tuổi) đã được thực hiện thành công tốt đẹp.

Ca phẫu thuật diễn ra với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa Gan mật, Ngoại tổng hợp, Gây mê, Điều trị tích cực Ngoại khoa, đơn vị xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu, Chẩn đoán hình ảnh…

Ca ghép gan thứ 50 thành công.
Ca ghép gan thứ 50 thành công.

Sau 9 giờ tập trung cao độ, ekip phẫu thuật đã ghép gan cho bé thành công trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình bệnh nhi và y bác sĩ của Trung tâm. Bởi vì mới chỉ vài năm trước đó thôi, phẫu thuật ghép gan cho trẻ em dường như vẫn còn là một khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.

Đến nay, bằng sự tận tâm và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hành trình dài nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan và trở thành đơn vị có số ca ghép gan trẻ em nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay.

Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm đã phẫu thuật thành công 17 trường hợp ghép gan từ người cho sống cùng huyết thống cho bệnh nhi bệnh gan mạn giai đoạn cuối, cân nặng thấp.

Việc các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật ghép gan không chỉ có ý nghĩa cứu sống người bệnh, mà còn khẳng định quyết tâm của Ban Giám đốc, y bác sĩ Trung tâm Ngoại tổng hợp và toàn Bệnh viện trong việc phát huy thế mạnh tập thể, tập trung phát triển kỹ thuật cao phục vụ sứ mệnh khám, chữa bệnh cho trẻ em với chất lượng tốt nhất.

Bệnh nhi và gia đình không cần ra nước ngoài vẫn được hưởng các dịch vụ, kỹ thuật tiên tiến thế giới tại Việt Nam.

U tuyến thượng thận hai bên hiếm gặp và cuộc phẫu thuật kịch tính cứu sống bé trai 14 tuổi

Ngày 15/5/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã vượt qua nhiều thách thức để phẫu thuật thành công loại bỏ U tuyến thượng thận hai bên cho bệnh nhi 14 tuổi. Đây là ca bệnh hiếm gặp tại cả Việt Nam và trên thế giới, cũng là trường hợp đầu tiên từ trước tới nay được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ekip tiến hành phẫu thuật trong gần 5 giờ đồng hồ.
Ekip tiến hành phẫu thuật trong gần 5 giờ đồng hồ.

Xác định rõ đây là ca bệnh hiếm gặp và quá trình điều trị có thể gặp nhiều diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cuộc hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa Nội tiết, Ngoại khoa, Can thiệp Tim mạch, Hồi sức Tim mạch, Gây mê Hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh đã diễn ra để tìm giải pháp tối ưu nhất đảm bảo phẫu thuật an toàn cho trẻ.

Các bác sĩ Nội tiết lên kế hoạch rất tỉ mỉ về mặt điều trị huyết áp cho trẻ trước và trong phẫu thuật. Các bác sĩ Đơn vị Điện quang can thiệp phải thực hiện can thiệp động mạch và tĩnh mạch nhằm hạn chế sự bài xuất ồ ạt hormone cathecholamine trực tiếp vào máu và hạn chế chảy máu trong quá trình phẫu thuật.

Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi nhằm giảm tối đa tổn thương, cắt hoàn toàn 2 khối u tuyến thượng thận, song song với đó, cố gắng giữ lại một phần tuyến thượng thận bên phải.

Trong khi mổ, các bác sĩ luôn hết sức thận trọng từng thao tác, vì việc chạm vào khối u, rất dễ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới xuất huyết não, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim. Thật may mắn, ca mổ diễn ra thành công trong sự vỡ òa vui sướng từ đội ngũ bác sĩ và gia đình cháu bé.