Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn cho hay, theo đánh giá chung, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, hợp tác làm tốt các bước chuẩn bị và cho trẻ uống sữa đảm bảo an toàn ngay từ ngày đầu tiên. Học sinh mầm non và tiểu học hàng ngày đến trường được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn; ngoài việc được nuôi dưỡng khoa học, trẻ uống sữa còn được giáo dục về dinh dưỡng và ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đến nay vẫn có đơn vị tỉ lệ đăng ký tham gia chương trình còn thấp như Thường Tín 49%, Chương Mỹ 59%. Cùng với đó, nhiều đơn vị, trường học nêu ý kiến băn khoăn về công tác vận chuyển, bảo quản sữa, thu gom rác… khi triển khai cho học sinh uống sữa.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương, các phòng GD&ĐT, các nhà trường trong việc tích cực triển khai Đề án chương trình Sữa học đường đến với học sinh MN, TH trên địa bàn.
Ông Chữ Xuân Dũng đề nghị, các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để cha mẹ học ính hiểu rõ ý nghĩa khoa học, tính nhân văn và lợi ích của việc uống sữa đối với việc nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ em; tạo sự đồng thuận tự nguyện cho trẻ uống sữa.
Trong đó, cần quan tâm đến những đơn vị có tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ uống sữa còn thấp; tập trung đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhóm trẻ mầm non, nhóm lớp mẫu giáo độc lập, tư thục. Hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng sữa chuẩn bị các điều kiện tổ chức cho trẻ uống sữa, chủ động bố trí nơi để sữa đảm bảo an toàn.
Các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm hơn, đảm bảo chương trình diễn ra hiệu quả, đúng mục đích; tránh để xảy ra sơ suất, sự cố do nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường.